Vận tải “khóc mếu” vì vừa giảm cước, xăng lại tăng giá
Hơn 100 doanh nghiệp vận tải ký cam kết giảm giá cước
Chậm giảm cước vận tải: Dấu hiệu liên kết “móc túi” người tiêu dùng
Ngày 16-10, tại Diễn đàn logistics Việt Nam diễn ra ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết chi phí hoạt động logistics của Việt Nam chiếm 20%-25% GDP nên lãng phí nhiều nguồn lực (trong khi chi phí này ở các nước phát triển chỉ 10%-13% và các nước đang phát triển là 15%-20%). Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mỗi năm 2 con số nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt phải chịu nhiều loại phí cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa do ngành logistics kém phát triển.
Đắt đỏ
Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen, bất cập của ngành logistics đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của DN. Chẳng hạn, Tôn Hoa Sen đặt nhà máy tại KCN Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có cụm cảng quốc tế nhưng rất ít hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập cảng này. Vì thế, DN phải vận chuyển hàng hóa với tổng quãng đường 160 km (từ TP HCM đưa container rỗng đến nhà máy ở KCN Phú Mỹ lấy hàng rồi chở ngược về cảng Cát Lái để xuất khẩu).
75% thị phần thị trường logistics ở Việt Nam hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài Ảnh: Tấn Thạnh
“Nếu xuất hàng tại cụm cảng Phú Mỹ, chi phí vận chuyển chỉ 1,7 triệu đồng/container 24 feet nhưng do phải xuất tại cảng Cát Lái nên chi phí lên tới 4,25 triệu đồng...” - ông Vũ nói.
Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy đội tàu mang quốc tịch Việt Nam lên tới hàng ngàn chiếc nhưng cơ cấu không hợp lý, tàu hàng rời chiếm tỉ lệ lớn trong khi tàu chuyên dụng và tàu container chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Địa bàn hoạt động của tàu biển chở container Việt Nam chỉ “loanh quanh” khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc... trong khi những chuyến tàu lớn đến các thị trường châu Mỹ, châu Âu mà DN xuất nhập khẩu có nhu cầu rất lớn lại do hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Nhiều DN xuất nhập khẩu muốn mở rộng ra thị trường lớn và tiềm năng như châu Mỹ, châu Phi đều lệ thuộc vào cước phí và lịch trình của hãng tàu nước ngoài. Đôi khi có DN phải chờ tàu 2-3 tháng mới xuất được hàng làm ảnh hưởng đến uy tín và khả năng tìm kiếm khách hàng mới.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA), thừa nhận dù có hơn 1.300 DN trong nước hoạt động về logistics nhưng chủ yếu làm giao nhận, vận tải, các dịch vụ kho bãi, cảng biển xếp dỡ, kho phân phối... DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 25 đơn vị nhưng chiếm tới 75% thị phần.
“Giấc mơ” thương hiệu quốc gia
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang tích cực xây dựng và triển khai cơ chế một cửa ASEAN (trong đó có hải quan điện tử) sẽ giúp DN trong ngành logistics giảm thời gian làm thủ tục, giảm chi phí. Hiện nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của ASEAN như EU, Mỹ, Nhật đều yêu cầu DN vận tải, logistics khai báo trước thông tin vận tải hàng hóa dưới hình thức điện tử cho nhà chức trách nên hải quan một cửa sẽ đáp ứng yêu cầu này. “Nghị quyết 19 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, yêu cầu thời gian thông quan hàng hóa phải giảm từ 7-8 ngày. Năm 2014 có khoảng 6,8 triệu lô hàng được thông quan với chi phí lưu kho tại cảng là 250 USD/ngày/lô hàng, khi rút ngắn được 8 ngày sẽ tiết kiệm cho các DN khoảng 13,6 tỉ USD/năm (chỉ tính riêng chi phí lưu kho - PV)” - ông Cường dẫn chứng.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng muốn ngành logistics phát triển cần sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của DN. Nhà nước phải gắn quy hoạch phát triển logistics với quy hoạch cảng biển, khu kinh tế ven biển, KCN, quy hoạch phát triển các cảng hàng không và hệ thống giao thông kết nối. Logistics là ngành tổng hợp từ vận tải, kho bãi, liên quan đến cả thủ tục hải quan, bảo hiểm, dịch vụ… nên một DN không thể “ôm” hết mà cần liên kết nhau. Không nên để tình trạng 1.300 DN logistics chia nhau mỗi người một chút để sống mà phải có khát vọng vươn lên chiếm lĩnh một lĩnh vực!
“DN nhỏ chưa chắc đã yếu nếu tạo được niềm tin với khách hàng thông qua các dịch vụ cung cấp uy tín, đầy đủ. Với DN vừa và lớn cũng cần hợp tác với nhau để mang thương hiệu quốc gia, thương hiệu toàn cầu thì mới có thể cạnh tranh được trong hội nhập” - ông Lịch nói.
Đột phá về chính sách Một ban soạn thảo kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics vừa được Chính phủ quyết định thành lập, do lãnh đạo Bộ Công Thương làm trưởng ban, được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành logistics. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng DN trong nước chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng thô, sơ chế nên các đối tác có ưu thế trong đàm phán hợp đồng và giành quyền vận tải, bảo hiểm. Do đó, DN cần cải thiện năng lực kinh doanh, xây dựng thương hiệu để giành thế chủ động trong đàm phán hợp đồng mới mong có điều kiện cho ngành logistics phát triển. |