Cũng như mọi năm, năm nay thị trường đồ chơi Trung thu không có nhiều mẫu mã mới, vẫn chỉ với những mặt hàng khá quen thuộc được bán từ nhiều năm nay, như: bộ ô tô, siêu nhân, xe tăng, mặt nạ với nhiều hình hài khác nhau, súng…búp bê, gấu bông… Len lõi theo một số khách hàng vào khu phố Hàng Mã, khá nhiều người đã vất vả chọn cho con em mình những đồ chơi thích hợp để sử dụng trong dịp Lễ Trung thu. Chị Lan Anh - Khương Trung, Hà Nội cho biết, nhà chị có hai bé (một trai 8 tuổi và gái 6 tuổi). Theo truyền thống, cứ mỗi khi bước vào dịp Tết Trung thu chị Lan Anh lại tới phố Hàng Mã để mua đồ chơi cho con. Tuy nhiên, việc chọn lựa được sản phẩm ứng ý là một điều khá khó khăn, do tại đây toàn bày bán những mặt hàng mà chị đã từng mua ở những năm trước.
Theo chia sẻ của chị Lan Anh, trong vài ngày trở lại đây chị thường xuyên ghé qua các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu tại một số tuyến phố như Cầu Giấy, Lê Duẩn… , nhưng đều không mua được sản phẩm nào do sản phẩm bày bán vẫn là những loại mà chị đã mua trước kia. "Nghe nói Hàng Mã là "thiên đường" của những đồ chơi trẻ em, nên hôm nay tôi quyết định đến xem và mua. Tuy nhiên, khi đến đây vẫn là những món đồ quen thuộc như ô tô, búp bê, gậy chiếu sáng, mạ nạ… Thế nên, tôi đã đành ra về mà không mua bất kỳ cái gì", chị Lan Anh chia sẻ.
Các loại đồ chơi này vẫn giữ ở mức giá khá ổn định so với năm ngoái. Điển hình, giá một chiếc mặt nạ nhựa hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới là 20 - 30 nghìn đồng/chiếc; chiếc gậy sáng có giá dao động trong khoảng từ 30 - 80 đồng/cái (tuỳ từng loại); đèn ông sao giá bán là 15 - 40 nghìn đồng/chiếc… Hàng Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng tại phố Hàng Mã, năm nay, mặc dù đã xuất hiện một số sản phẩm đồ chơi trong nước, như đèn lồng hướng về biển đảo quê hương... nhưng chiếm đa số vẫn là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Khách hàng muốn tìm mua loại đồ chơi có chất lượng cao được sản xuất trong nước thì vẫn khá khó khăn. Chị Thành - một chủ cửa hàng ở Cầu Giấy cho biết, hiện đồ chơi truyền thống của Việt Nam vẫn khá ít, đặc biệt mẫu mã chưa phong phú. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc lại đang có lợi thế là màu sắc bắt mắt và kiểu dáng phóng phú, nhiều chủng loại. Chính vì vậy mà các sản phẩm của Trung Quốc vẫn được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt những vùng ngoại thành và nông thôn. Theo tìm hiểu của PV, tại các cửa hàng bán đồ chơi ở Hà Nội, cũng như mọi năm, thị trường đồ chơi năm nay vẫn chủ yếu là có xuất xứ từ Trung Quốc, ước tính chủng loại này vẫn chiếm khoảng 70 - 80% trên thị trường. Trong khi đó, những loại đồ chơi trong nước lại vẫn yếu thế và khá mờ nhạt, chủ yếu là những sản phẩm như: trống, đèn ông sao, mặt nạ… Cùng với đồ chơi trẻ em, cứ mỗi khi bước vào dịp lễ Trung thu thì những sản phẩm như bánh, mứt, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu…lại được sản xuất và buôn bán với số lượng lớn do nhu cầu tăng cao của người dân. Vì vậy, tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng để kiểm lời lại xuất hiện. Chính vì vậy, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu kém phẩm chất, quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc và vi phạm quy định về giá, về khuyến mại hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, vừa qua, Cục Quản lý thị trường đã có công văn đề nghị các Chi cục Quản lý thị trường chủ động nắm chắc diễn biến thị trường, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật. Cùng với đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các khu vực sản xuất, chế biến, kinh doanh; các chợ đầu mối, các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, bánh, mứt, kẹo, đồ uống, hàng thực phẩm đã qua chế biến… Đặc biệt, khẩn trương triển khai thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
|