“Các bộ, ngành đang muốn giữ các điều kiện kinh doanh mà mình ban hành cần giải thích tại sao phải có điều kiện như vậy và nếu bỏ điều kiện ấy đi thì hệ lụy cho nền kinh tế, xã hội, sức khỏe, quyền lợi của người dân là gì?”. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh tại tọa đàm kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 6-10 tại Hà Nội.
“Giấy phép con” là mảnh đất màu mỡ
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, con số chính thức đến nay (từ các bộ, ngành và một số điều kiện kinh doanh mới bổ sung) có tất cả 425 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Các giấy phép được ban hành rất đa dạng, phong phú. Rất nhiều điều kiện khắt khe với việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN). Thậm chí có những điều kiện kinh doanh trong một thông tư đã làm thui chột hàng ngàn ý định kinh doanh” - ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cho biết các bộ, ngành lý giải họ đặt điều kiện là để bảo vệ xã hội, bảo vệ môi trường, là do chức năng của ngành, giám sát của cơ quan nhà nước… “Có những giấy phép dường như hợp lý và nhận được sự ủng hộ của xã hội nhưng cũng có những giấy phép không được sự đồng thuận của xã hội” - ông Bình nói.
Người dân làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD
Ngoài lý do các bộ, ngành nêu ra, theo ông Bình còn có những lý do khác như hạn chế kinh doanh để bảo vệ cho một số ngành, DN nào đó hoặc các bộ, ngành muốn giữ vai trò gác cửa, chứng tỏ cái quyền của mình. Bên cạnh đó, nhiều điều kiện còn xuất phát từ việc khó quản lý thì cấm nên phải ra điều kiện.
“Giấy phép là miếng đất màu mỡ để gây phiền hà cho DN kiếm thêm thu nhập. Vì vậy tổ nghiên cứu muốn các bộ, ngành cắt bỏ đi thì cần có lý lẽ, làm rõ việc bảo vệ lợi ích cộng đồng, hiệu lực giấy phép đến đâu” - TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, lưu ý.
Đánh đố DN
Nhiều điều kiện kinh doanh đặt ra trong khi thị trường có thể tự giải quyết được như điều kiện về đào tạo đại lý bảo hiểm, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản... Đồng thời có nhiều điều kiện áp đặt quá mức cần thiết. “Điển hình như điều kiện kinh doanh dịch vụ việc làm đòi hỏi phải có trụ sở ổn định ba năm trở lên, có ba nhân viên trình độ cao đẳng trở lên… Tại sao lại phải quy định như vậy?” - ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, dẫn chứng và nêu thắc mắc.
Ngoài ra, theo ông Hiếu còn có những điều kiện kinh doanh đang tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính cho DN. Ví như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là một loại “giấy phép của giấy phép”, rồi văn bản công nhận, xác nhận đủ điều kiện… đang gây phiền toái cho không ít DN. Có điều kiện áp đặt về phương thức kinh doanh, mức trần sản lượng sản xuất, số lượng xe tối thiểu… Bên cạnh các điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, không cần thiết, ông Hiếu còn cho biết các bộ, ngành còn có những quy định không rõ ràng.
“Cần loại bỏ những quy định định tính cao như “theo quy hoạch địa phương”. Hiện có hơn 9.000 quy hoạch thì DN biết căn cứ nào để làm. Hiện nay tình hình kinh doanh phức tạp hơn, diện kinh doanh nhiều, ngành nghề đa dạng, mức độ gây thiệt hại nhiều... Vì vậy cần phân loại từng nhóm ngành nghề để thảo luận sâu, thực hiện tiêu chuẩn hóa giấy phép, tránh tùy tiện và cần nhất quán công khai, minh bạch từ thủ tục đến thời gian thực hiện” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị.
Ông Lê Duy Bình, chuyên gia rà soát độc lập đến từ Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý Kinh tế Economica Việt Nam cho biết hiện tổ đã rà soát có 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó có 895 “giấy phép cha”, 2.129 “giấy phép con” và 1.745 “giấy phép cháu”. Ở Thái Lan, cửa hàng ăn nào cũng có giấy phép chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chúng tôi muốn xem chỗ rửa chén của họ thì đúng là có ba chậu như quy chuẩn, chính xác như điều kiện đặt ra. Còn ta đặt ra nhiều điều kiện nhưng có làm đúng các quy định đòi hỏi đặt ra không? TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế Tại sao lại phải có năm xe trở lên mới cho DN kinh doanh dịch vụ vận tải. Nếu tôi có một xe, không cho tôi kinh doanh hợp pháp tôi đành phải lái taxi “dù”. Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM |