Điều hành xăng dầu bao giờ minh bạch?

Việc cơ quan quản lý “bật đèn xanh” nâng chi phí trong tính giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu từ ngày 1/11 tới giúp doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối “dễ thở” hơn nhiều.

Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Lợi cho doanh nghiệp

Theo dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu; chi phí kinh doanh bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với mặt hàng xăng là 1.050 đồng/lít, dầu hỏa; dầu điêzen tối đa là 950 đồng/lít. Chi phí bình quân giữa các vùng đối với dầu madút tối đa 600 đồng/kg.

Đây là mức tăng chi phí định mức khá lớn nếu so với mức chi phí đang áp dụng cho các DN hiện nay. Riêng mặt hàng xăng được tăng tới 190 đồng/lít (tương đương tăng 22%). Mặt hàng dầu tăng 90 đồng/lít (tăng 10%), dầu madút tăng 100 đồng (tăng 20%).

Cùng đó, các DN kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục được mức lợi nhuận định mức được cố định 300 đồng/lít. Theo đơn vị soạn thảo, việc điều chỉnh chi phí này nhằm giúp DN không bị lỗ khi thực hiện tính giá cơ sở để điều hành.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những vấn đề cốt lõi nhất trong việc điều hành giá xăng dầu không được cơ quan quản lý nhắc đến. Đó là quy định trích hoa hồng cho đại lý, căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá tăng giảm.

Vẫn tù mù

Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng phòng Đối ngoại của một DN xăng dầu top 3 trên thị trường thừa nhận: Việc điều chỉnh chi phí định mức cho DN là điểm đáng mừng. Những năm gần đây, DN đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh chi phí định mức, nhưng không được đáp ứng.

Tuy nhiên, cùng với việc được điều chỉnh chi phí, giá xăng dầu trước mắt có thể sẽ bị điều chỉnh tăng do DN được tăng phần tính chi phí vào giá thành.

"Vấn đề chính trong điều hành xăng dầu hiện nay là, cơ quan quản lý nhà nước để cho DN có quyền tự quyết giá bán lẻ theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Cùng đó, cần có những quy định chặt chẽ về trích hoa hồng cho đại lý.

Các quy định hiện nay có thể khiến giá xăng dầu vẫn không được minh bạch trong cách tính giá cơ sở. Trong khi DN có thể lợi dụng chính sách mới để tăng chiết khấu, tạo lỗ giả kéo theo cạnh tranh không lành mạnh", vị này phân tích.

Tổng giám đốc một DN xăng dầu lớn khẳng định, vấn đề chính của thị trường xăng dầu hiện nay là cơ chế điều hành. Thực tế nhiều năm qua, khi giá thế giới lên, những DN nhỏ thường không nhập hàng, nhưng giá xuống lại nhập ngay. Chỉ trong 5 - 7 ngày là có hàng đưa về bán, thậm chí bán trước cả lô cho các đại lý với thù lao đại lý rất cao.

Chiêu bán hàng nhanh cộng hoa hồng cao này khiến các DN khác (không có hệ thống bán lẻ tốt) sẽ thua. "Khi giá lên, các DN này lại rút vào hoạt động du kích. Đây là hành vi cạnh tranh ăn xổi khiến các DN trong ngành rất bức xúc và quy định lại chưa thấy nhắc đến", vị này tố.

Trong văn bản góp ý về cơ chế điều hành xăng dầu gửi cơ quan quản lý, ông Phan Thế Ruệ-Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng: Quy định mới nhất do cơ quan quản lý đang soạn thảo vẫn chưa kín kẽ, thậm chí "vênh" với Nghị định 83.

Hiệp hội cho rằng, cần xem lại chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước. Thực tế có DN kinh doanh trên địa bàn cả nước, nhưng có DN kinh doanh chỉ ở các thành phố lớn.

"Mục b Khoản 2 Điều 8 Thông tư Liên tịch hướng dẫn quá rườm rà và không tính hết những trường hợp cụ thể như giá cơ sở tăng đến 4,5%.

Nếu thực hiện theo Thông tư Liên tịch khi được bù đắp bằng Quỹ bình ổn giá sẽ bất hợp lý so với trường hợp giá cơ sở tăng đến 4%. Hiệp hội đề nghị Thông tư Liên tịch hướng dẫn đúng như cũ", đại diện (VINPA) phân tích.

PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, thị trường xăng dầu hiện nay dù có tới 21 đầu mối tham gia, nhưng vẫn không có sự cạnh tranh đúng nghĩa. Thị phần lớn nhất vẫn trong tay của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Việc phân bố mạng lưới đại lý xăng dầu hiện cũng rất bất cập.

Các DN kinh doanh xăng dầu được cấp phép trong thời gian gần đây chủ yếu hoạt động ở các khu đô thị, thành phố trong khi mạng lưới ở các vùng sâu, vùng xa chủ yếu vẫn do Petrolimex và PV Oil đảm nhiệm.

"Một số DN nhỏ khi mua vào thời điểm giá thế giới thấp thường dùng chiêu tăng chi phí hoa hồng, từ 500 đồng - 600 đồng/lít; có thời điểm tới 900 đồng/lít. Sự cạnh tranh này khiến thị trường hỗn độn. Khi đó, tổng đại lý được hưởng lợi lớn, trong khi người dân vẫn phải mua theo đúng giá quy định. Nguồn thu thuế của nhà nước từ thuế thu nhập DN bị gián đoạn", ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, vấn đề khiến dư luận băn khoăn là việc tính giá cơ sở của DN kinh doanh xăng dầu đang căn cứ theo mức giá nào. Công thức tính thì dân đã rõ, nhưng mức giá nhập cụ thể của từng chuyến, của từng giai đoạn nhập hiện mới chỉ có DN và một số ít người được biết.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động buôn lậu xăng dầu tại nhiều địa phương trên cả nước ngày càng phức tạp. "Nóng" nhất tại các vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Lợi nhuận lớn là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp. Với khoản thuế, phí đang chiếm khoảng 43% giá xăng dầu, chỉ riêng việc trốn thuế, phí xăng dầu đã mang lại lợi nhuận 43% cho đối tượng buôn lậu.