Diện tích nuôi cá tra tăng mạnh

Diện tích nuôi cá tra tăng mạnh

Trong quí 3-2014 diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thêm 1.000 héc ta, đưa tổng diện tích nuôi cá tra của toàn vùng lên 7.000 héc ta, lớn nhất từ trước đến nay.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) căn cứ trên số liệu thống kê của các tỉnh cho biết, tính đến hết 10 tháng năm nay diện tích nuôi nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL ước đạt hơn 7.000 héc ta với sản lượng đạt 890.000 tấn.

Do giá cá tra tăng, người nuôi cá tra có lãi nên tích cực mở rộng diện tích nuôi cá.

Bộ NN -PTNT dẫn số liệu từ Sở NN -PTNT Vĩnh Long cho thấy, giá cá tra nguyên liệu trong tháng 10 dao động trong khoảng 23.000-24.200 đồng/kg, tăng 1.000 đồng /kg so với tháng trước. Với giá này, người nuôi cá tra có lãi từ 500-1.000 đồng/kg.

Điều này trái ngược với thời điểm tháng 6-2014 khi giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL thấp hơn giá thành; chỉ còn 21.500-22.000 đồng/kg trong khi giá thành 22.500 - 23.500 đồng/kg.

Diễn biến về hoạt động nuôi cá tra ở ĐBSCL những năm qua cho thấy hầu như diện tích nuôi cá tra tăng hay giảm đều phụ thuộc vào giá cá nguyên liệu mà các nhà máy chế biến thủy sản mua vào từng thời điểm; nếu giá cá giảm dưới giá thành, người nuôi sẽ treo ao, còn khi giá cao hơn giá thành, diện tích nuôi tăng lên.

Theo Bộ NN - PTNT, trong 10 tháng đầu năm nay tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,48 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam khi chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh về giá trị. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản tăng gần 8%, Hàn Quốc tăng hơn 43%, còn thị trường Trung Quốc là gần 25%.

Đối với mặt hàng cá tra, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các nước ASEAN và Trung Đông là những thị trường có sự tăng trưởng tốt và nhờ vậy đã bù đắp được sự sụt giảm của mặt hàng này tại thị trường EU.