Tại hội nghị về bệnh trong nuôi trồng thủy sản khu vực châu Á tổ chức tại TP.HCM ngày 24.11, Bộ NN-PTNT cho biết từ đầu năm 2014 đến nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 49.794 ha, hơn 2.000 lồng có tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000 ha bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm.
Một số dịch bệnh nguy hại xảy ra trên tôm (bệnh đốm trắng), cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), tôm hùm (bệnh sữa) và thiệt hại do ô nhiễm môi trường liên tục có chiều hướng gia tăng; gây tổn thất hàng nghìn tỉ đồng của người nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Bộ NN-PTNT vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi và dịch bệnh trên cá tra.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), trong tháng 10.2014, Ủy ban Châu Âu (EC) đã phát hiện 11 lô hàng cá tra từ VN có dư lượng kháng sinh Nitrofurazone bị cấm sử dụng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý chất lượng thủy sản Hàn Quốc (NFQS) cũng áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra các chỉ tiêu trong nhóm Nitrofuran đối với các lô hàng cá tra nhập khẩu từ VN.
Thời gian thực hiện kiểm tra là từ ngày 5.11 đến hết ngày 31.12.2014 (tính theo ngày lô hàng nhập khẩu) với tần suất kiểm tra là 3% đối với tổng số lô hàng của từng nhà nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu của VN bị vướng vào chất kháng sinh cấm.