XK dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, kéo theo làn sóng đầu tư mới khi các DN tăng tốc đón đầu cơ hội nhưng đồng thời đây cũng là quá trình giúp sàng lọc DN trong ngành dệt may.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch XK dệt may tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thị trường XK sang Mỹ lớn nhất, chiếm 42% so với tổng kim ngạch XK dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD (tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2014). XK dệt may Việt Nam sang EU ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đối với 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, kim ngạch XK đạt lần lượt là 1,3 tỷ USD và 948 triệu USD. Tại 2 thị trường này, Việt Nam vẫn là nhà XK dệt may lớn thứ hai sau Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng thị trường. |
Sau thời gian gia nhập WTO, hàng dệt may Việt Nam đã có "chỗ đứng" tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch XK hàng dệt may cả nước. Cùng với đó, thị phần của hàng dệt may tại các thị trường không ngừng tăng lên, như thị trường Mỹ tăng từ 3% (khi gia nhập WTO) lên 10% trong thời điểm hiện tại (chỉ sau Trung Quốc).
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mỗi lần XK dệt may có sự bứt phá đều phụ thuộc vào các sự kiện mà Việt Nam ký kết. Cụ thể, năm 2011 Việt Nam ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ, năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO. Vừa qua, Việt Nam cũng ký một loạt FTA như FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), sắp tới là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (VEFTA)…
Có thể thấy, lợi ích lớn mà các DN dệt may Việt Nam có được khi các FTA ký kết là việc cắt giảm thuế quan. Hai FTA Việt Nam mới ký kết, theo đánh giá của DN dệt may đều có nhiều mặt tích cực. Với EAEU, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi lớn vì có tới 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt, giảm; 42% xóa bỏ hoàn toàn. Hiện theo số liệu năm 2014, dung lượng NK hàng dệt may từ Việt Nam của EAEU là 16 tỷ USD, trong đó Nga NK 13 tỷ USD, Kazakhstan và Belarus nhập trên 1 tỷ USD. Việt Nam đang đứng thứ 8 trong số các nước XK dệt may vào EAEU với kim ngạch XK trên 300 triệu USD. Với sự cam kết hợp tác từ các Chính phủ, sự nỗ lực thúc đẩy giao thương từ DN các quốc gia trong EAEU cùng những diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới thuận lợi, dự kiến sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang EU được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên, và khoảng 20% trong năm tiếp theo. "Nếu xử lý tốt lợi ích của hiệp định bao gồm cả hàng rào thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan chắc chắn Việt Nam có thị phần khoảng 10% tại thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu trong 5 năm tới là khả quan", ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Vitas nhìn nhận.
Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký VKFTA từ hồi đầu tháng 5 và dự kiến đến tháng 10, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn và biểu thuế thực hiện cam kết ưu đãi thuế quan với Hàn Quốc từ ngày 1-1-2016. Theo cam kết của VKFTA, hầu hết các mặt hàng dệt, may từ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ được đưa về thuế suất 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thay vì từ 8-13% như hiện nay. Hiện hàng dệt, may là nhóm hàng có kim ngạch XK lớn thứ hai của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc (sau thủy sản) và là nước NK hàng dệt may lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm hơn 10% kim ngạch XK của Việt Nam. Dự báo, kim ngạch XK dệt may sang thị trường Hàn Quốc có thể đạt 16,3 tỷ USD trong năm 2015, tăng 11,6% so với năm trước.
Hai thị trường XK đứng hàng đầu của dệt may là Mỹ và EU, Việt Nam và các đối tác cũng đang tích cực đàm phán để đi tới ký kết hiệp định. Theo đó, khi EVFTA được ký kết, thuế từ 12% sẽ về mức 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may XK của Việt Nam. Tương tự, ưu đãi về thuế do TPP mang lại cũng là yếu tố thuận lợi cho các DN mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ khi hàng dệt may XK vào Mỹ sẽ giảm dần xuống 0% so với mức 17-18% như hiện nay.
Quá trình sàng lọc
Như vậy, có thể thấy rằng, cơ hội khi hội nhập của ngành dệt may Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, với những yếu kém đang tồn tại của ngành dệt may như gia công lớn, giá trị gia tăng thấp… thì việc tham gia các FTA, DN sẽ khó khăn để đạt được những lợi ích đó. Bởi lẽ, các FTA ngày càng có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi phải có mức độ cam kết sâu rộng cả về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Cùng với đó, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mức lương tối thiểu, giá cả nguyên phụ liệu, vốn đầu tư, tạo sức ép cho DN gia tăng chi phí sản xuất.
Đứng ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường khẳng định: "Tôi cho rằng, không thể không hội nhập, bởi trong kinh doanh không có rủi ro thì không có lợi nhuận. Khi tham gia các FTA, DN Việt Nam nói chung, trong đó có ngành dệt may sẽ được mở thêm nhiều cánh cửa cho thị trường XK. Đặc biệt, với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam thì việc mở rộng thị trường rất quan trọng". Mặt khác, sau thời gian trở thành thành viên WTO, động lực cho tăng trưởng mới không còn nhiều. Do vậy, các FTA tạo động lực tăng trưởng là cơ hội để có sự dịch chuyển tiếp tục của quá trình công nghiệp hóa, giúp DN có cơ hội "lao vào" cạnh tranh, kinh doanh. "Nếu không tiếp tục mở, chúng ta đang bước đến ngưỡng khó khăn trong tăng trưởng kể cả ngành XK trọng điểm đang tăng trưởng tốt như dệt may", ông Trường nói.
Vấn đề khó khăn nhất và cũng là vướng mắc lâu nay các DN dệt may gặp phải là quy định xuất xứ. Trong khi đó, với các FTA "thế hệ mới" mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết, quy tắc xuất xứ lại là điều kiện hàng đầu. Vậy nên, muốn được hưởng lợi từ các FTA, DN phải tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên thực tế, dù chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự cam kết chặt chẽ nhưng ông Trường vẫn tỏ ra lạc quan bởi chuỗi cung ứng này có tính linh hoạt giữa các đối tác với nhau. Linh hoạt chính là ở địa điểm cung cấp, phản ánh ở câu chuyện của sản xuất hàng dệt may đã dịch chuyển về Việt Nam. Trong quá trình dịch chuyển này, bản thân các nhà cung cấp đã thấy, Việt Nam có năng lực cạnh tranh tốt, khiến cho các nhà NK tìm đến. Thực tế đã chứng minh, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng như Texhong (Trung Quốc), Tal (Hồng Kông - Trung Quốc)…
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, không phải DN nào cũng thành công. Để cạnh tranh được, theo khuyến cáo của các chuyên gia, DN cần bỏ ra chi phí để điều chỉnh hoạt động, từ gia công đơn giản sang hàm lượng giá trị gia tăng cao. Những DN biết tận dụng lợi ích là những người sẽ vượt lên, có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn đối với những DN đã đầu tư, nhưng thất bại thì nên hiểu ở góc độ đó là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, qua đó để ngành dệt may có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): DN phải nghiên cứu kỹ và có thử nghiệm Những năm 90 của thế kỷ trước, khối Liên minh Kinh tế Á - Âu là thị trường lớn của XK dệt may nhưng từ đó đến nay chúng ta không phát triển được các hiệp định cấp Nhà nước nên hàng may mặc của Việt Nam XK sang khu vực này thường đi theo đường tiểu ngạch. Khi EAEU được ký kết sẽ là cơ hội thuận lợi giúp DN mở rộng XK. Đặc biệt, với XK mặt hàng dệt may lâu nay chúng ta hay vướng về quy định xuất xứ nhưng ở EAEU yêu cầu chỉ là một công đoạn từ vải trở đi chứ không phải từ sợi trở đi như ở TPP. Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức khi XK sang khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ngoài việc phải chịu hàng rào thuế quan cao thì các DN sẽ phải chịu quy định "luật bất thành văn" trong quá trình thực thi của các nước trong khu vực này. Khi Hiệp định được ký kết, các yêu cầu rất thông thoáng nhưng giữa chính sách và thực thi của các nước này là khoảng cách lớn, do vậy đòi hỏi DN Việt Nam muốn tranh thủ và gia nhập được thị trường này phải nghiên cứu kỹ và có thử nghiệm. Ngoài ra, cơ chế phòng vệ ngưỡng đối với dệt may sẽ khiến ngành này khó tăng được kim ngạch XK. Cụ thể, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức NK cố định và khi sản lượng NK chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu. Với ngành dệt may, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch XK của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân 3 năm gần đây. Trên thực tế, XK của chúng ta sang các nước thuộc Liên minh trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới được xem xét lại, và 5 năm tiếp theo xem xét 1 lần nữa. Do đó, quy định hàng rào phi thuế quan trước khi XK, DN phải hiểu kỹ.
|