Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát ngày 11/6 đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về phí, lệ phí thú y. Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ 14 khoản lệ phí, 37 khoản phí ban hành kèm theo Thông tư 04.
Ngay sau khi nhận được đề nghị của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đã có văn bản hồi đáp đưa ra các phương án đề nghị Bộ NN&PTNT lựa chọn để hợp lòng dân, phù hợp định hướng cải cách, giảm thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đề nghị Bộ NN&PTNT lựa chọn: Phương án 1, bãi bỏ hoàn toàn Thông tư số 04 để khi có Luật Phí và lệ phí, xây dựng thông tư mới phù hợp; không tăng mức thu, bổ sung các khoản thu mới. Chuyển mạnh sang cơ chế giá dịch vụ. Phương án 2, loại bỏ một số khoản phí, lệ phí.
Chưa có nguồn bù đắp nếu bỏ ngay Thông tư 04
Ở phương án 1, Bộ Tài chính cho rằng, quy định về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y có sự trùng lắp nếu bỏ Thông tư 04, thì cần xây dựng dự thảo thông tư thay thế. Trong trường hợp này Bộ Tài chính đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan thú y dừng thu toàn bộ các khoản phí, lệ phí quy định tại Thông tư 04.
Theo ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), qua rà soát Thông tư 04 cho thấy, nội dung thông tư không chỉ quy định thu phí, lệ phí đối với gia cầm, mà còn quy định thu phí, lệ phí đối với gia súc, thủy sản, sản phẩm động vật, ở các khâu khác nhau từ sản xuất, chăn nuôi, chế biến, ở trong nước đến xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Đại diện Vụ Chính thuế lưu ý, nếu theo phương án này thì cần có kinh phí để đảm bảo hoạt động của cơ quan thú y. Cơ quan thu phí, lệ phí bao gồm Cục Thú y (ở Trung ương) và các chi cục thú y (ở địa phương). Theo số liệu của Cục Thú y cung cấp thì trong năm 2014, số thu phí, lệ phí của Cục Thú y khoảng 14 tỷ đồng; của các chi cục thú y tại các địa phương khoảng 350 tỷ đồng.
Trường hợp bãi bỏ toàn bộ các khoản phí, lệ phí quy định tại Thông tư 04 thì ngân sách nhà nước (NSNN) cần bảo đảm các chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của các cơ quan thú y ở trung ương và các địa phương. Trường hợp chuyển các khoản phí, lệ phí quy định tại Thông tư 04 sang thu theo cơ chế giá thì đến năm 2017 mới có cơ sở pháp lý thực hiện. Do vậy nếu bãi bỏ toàn bộ Thông tư 04 ngay tại thời điểm này thì chưa thể có kinh phí NSNN để đảm bảo hoạt động của các cơ quan thú y.
Bộ Tài chính lưu ý, ngày 21/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015. Trong đó, tại điểm 3 quy định: "Tăng cường công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo".
Cắt giảm từng phần
Ở phương án 2, Vụ Chính sách thuế đề nghị chưa bãi bỏ toàn bộ Thông tư 04, mà bãi bỏ một phần, cụ thể là 14 khoản thu phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; cấp phép sản xuất kinh doanh thuốc thú y và 37 khoản thu của phí phòng chống dịch bệnh cho động vật, phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, theo kiến nghị của các đại biểu quốc hội về phí, lệ phí kiểm dịch gia cầm và theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Vụ Chính sách thuế cũng đã trình Bộ Tài chính ban hành thông tư bãi bỏ 14 khoản lệ phí, 37 khoản phí quy định tại Thông tư 04; đồng thời trình Bộ Tài chính gửi công văn tới Bộ NN&PTNT đề nghị tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí không phù hợp để bãi bỏ; không tăng mức thu và không bổ sung các khoản phí, lệ phí mới; nghiên cứu các khoản phí có khả năng xã hội hóa để chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan thú y các địa phương dừng thu ngay 14 khoản lệ phí và 37 khoản phí.
Đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng, nếu theo phương án này thì giải quyết ngay được kiến nghị của đại biểu quốc hội và không cần bố trí kinh phí cho việc bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà chỉ là cải cách thủ tục hành chính, khắc phục một số khâu chồng chéo trong hoạt động của cơ quan thú y.