Năng suất bình quân đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng cả vụ đạt 9,6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ Hè Thu năm ngoái, góp phần nâng sản lượng hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm nay đạt 20,6 triệu tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm.
Toàn vùng có 70% diện tích gieo sạ các giống chất lượng cao nên lúa bán ra được giá. Cụ thể, giá lúa khô (chất lượng thấp) bán tại kho có giá từ 5.650 đến 5.750 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.900 đến 6.000 đồng/kg.
Giá gạo 5% tấm không bao bì bán tại mạn tàu với giá từ 9.100 đến 9.200 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 8.800 đến 8.900 đồng/kg, gạo 25% tấm từ 8.250 đến 8.350 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ cho biết với giá trên, nông dân thu lãi từ 33% trở lên.
Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa Hè Thu năm 2014 được mùa là nhờ nông dân đã sử dụng các giống kháng sâu bệnh mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, đạt chuẩn xuất khẩu.
Nông dân đã thực hiện nghiêm túc lịch xuống giống nhằm né rầy, né hạn, chia làm 3 đợt trong tháng Tư, Năm và Sáu cho phù hợp với tình hình thủy văn từng khu vực, nhất là ứng phó tốt với tình hình nước mặn xâm nhập mặn từ 40-50km trong thời gian trên.
Các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang đã cung ứng thêm cho nông dân trên 100 tấn lúa thích nghi với hạn, mặn do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất; chủ động đóng các cống, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao ngăn mặn, đắp đập thời vụ trữ nước ngọt, nạo vét các kênh trục lẫn nội đồng, cung cấp đủ nước ngọt cho 700.000ha lúa Hè Thu chịu ảnh hưởng bởi khô hạn và mặn xâm nhập.
Ngoài ra, các tỉnh đã cho nông dân vay thêm gần 300 tỷ đồng mua giống xác nhận, vật tư nông nghiệp chăm bón lúa đồng thời chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật canh tác như xử lý giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp mới đến nông dân kịp thời nên không bùng phát dịch bệnh, lúa phát triển tốt./.