Dầu WTI có chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ 1986, xuống dưới 40 USD

(NDH) Giá dầu thô của Mỹ có tuần giảm thứ tám liên tiếp, ghi nhận chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 1986, sau khi một báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.

Giá dầu thô WTI giảm xuống dưới mốc 40 USD lần đầu tiên kể từ năm 2009, trước khi chốt phiên ngày thứ Sáu tại 40,45 USD, giảm 2,11%.

Theo hãng Baker Hughes, số giàn khoan tại Mỹ đã có tuần thứ năm liên tiếp khi tăng 2 giàn trong tuần qua lên 674 giàn. Con số này chưa bằng một nửa mức 1.564 giàn của năm ngoái.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8 giảm với tốc độ mạnh nhất trong gần 6 năm rưỡi do hoạt động xuất khẩu và nhu cầu nội địa giảm, làm tăng lo ngại rằng nhu cầu dầu mỏ của nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sẽ suy yếu.

Lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ kìm hãm tăng trưởng toàn cầu cũng khiến chứng khoán Châu Á, Châu Âu và Mỹ cùng giảm.

Giá dầu Brent ghi nhận tuần giảm thứ bảy trong vòng 8 tuần khi giảm 2,4% xuống 45,50 USD/thùng.

Ngoài tâm lý lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng lượng cung dư thừa do Mỹ và OPEC tiếp tục bơm dầu ở mức kỷ lục cũng góp phần khiến giá dầu giảm.

Vào cuối năm 1985, giá dầu đã giảm mạnh từ mức khoảng 30 USD xuống 10 USD trong vòng 5 tháng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nâng sản lượng để giành lại thị phần sau khi sản lượng của các nước ngoài OPEC tăng.

Đồng USD giảm lại hỗ trợ phần nào cho giá dầu. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, thị trường dầu mỏ kỳ hạn có vẻ vẫn xấu.