Theo một khảo sát của Reuters, các nhà buôn và nhà đầu tư đã dự báo dầu lưu kho của Mỹ có thể đã tăng trong tuần trước lên mức trên 452 triệu thùng, mức cao nhất trong vòng ít nhất là 80 năm.
Thị trường đang chờ báo cáo về dầu lưu kho hàng tuần của Viện Dầu khí Mỹ - một tổ chức ngành, và Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Giá dầu cũng chịu áp lực do sản lượng của Lybia tăng và việc Iran sẵn sang xuất khẩu thêm dầu nếu đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với phương Tây.
Đồng USD giảm giá so với đồng Euro, giúp hạn chế mức giảm của giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI trên thị trường New York giảm 42 cent xuống 43,46 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Giá dầu Brent trên thị trường Luân Đôn giảm gần 50 cent xuống 53,5 USD/thùng.
Sau khi tăng trong phiên ngày 11/3, dầu Brent đã giảm hơn 7% kể từ khi đó và các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ còn xuống dưới 50 USD.
Theo nhà phân tích Kash Kamal của hãng Sucden Financial, tâm lý chung vẫn khá yếu do các thành viên OPEC vẫn đang sẵn sàng sản xuất, trong khi nhu cầu từ Châu Âu và Trung Quốc khó tăng.
Giám đốc điều hành Ian Taylor của Vitol thì cho rằng thị trường sẽ tìm thấy điểm cân bằng vào nửa sau của năm nay.
Tiềm năng đạt được thỏa thuận về hạt nhân có thể sẽ giúp các lệnh trừng phạt đối với Iran bị dỡ bỏ, cho phép nước này bơm thêm dầu ra thị trường.
Ngân hàng Commerzbank cho rằng nếu thỏa thuận này đạt được, Iran có thể bơm thêm tới 1 triệu thùng/ngày ra thị trường trong nửa sau của năm nay.