Các nhà đàm phán của Iran và P5+1 (bao gồm các nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Đức) đang cố gắng đạt được một thỏa thuận trong tuần này trước khi hết hạn chót theo dự kiến trước đó là ngày 7/7. Tuy nhiên, thời hạn này không mang tính bắt buộc đối với cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân tại Iran.
Nga cùng với Ả Rập Xê Út và Mỹ là những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Do đó, họ có khả năng bị thiệt hại nếu Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới.
Chuyên gia phân tích hàng hóa Ed Morse của Citigroup nhận định: “Iran sẽ phải cạnh tranh với Nga tại thị trường Châu Âu”.
Iran đã bị cấm bán dầu thô tại thị trường Châu Âu kể từ năm 2012 khi Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này. Bên cạnh đó, những lệnh cấm vận của Mỹ cũng khiến nhiều nước gặp khó khăn trong việc mua dầu mỏ của Iran bằng đồng USD. Hậu quả là sản lượng dầu zcủa quốc gia này đã giảm từ 3,6 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống 2,6 triệu thùng/ngày năm 2014.
Chất lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran tương tự với Nga nên chính quyền Moscow được hưởng lợi nhiều nhất khi Iran bị cấm vận. Xuất khẩu dầu mỏ của Nga vào các thị trường chính của Iran trước đây như Châu Á và Châu Âu đã tăng gấp đôi, khoảng 420.000 thùng/ngày, từ năm 2011 đến 2014.
Dẫu vậy, Nga và Iran lại có mối quan hệ chính trị khá thân mật. Chính quyền Moscow đã cung cấp cho Tehran nhiều loại vũ khí và thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân nhằm chấm dứt các lệnh trừng phạt với Iran.
Thỏa thuận Vienna
Một bản thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran có thể đạt được trong vài ngày tới tại Vienna-Áo. Dù Iran cần ít nhất 6-9 tháng nữa sau khi đạt được thỏa thuận để có thể trở lại thị trường dầu mỏ thế giới, các chuyên gia đã dự tính trước những tác động của diễn biến này.
Theo các nhà buôn trên thị trường dầu mỏ, những nước như Nga, Nigeria, Angola, Colombia và Iraq sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của Iran tại Châu Á và Châu Âu. Tuy nhiên, một số yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng đến dự đoán này, như tình trạng xuất khẩu dầu của Syria bị dừng lại do nội chiến hay việc vận chuyển dầu thô của Iraq qua đường ống Địa Trung Hải bị gián đoạn. Xuất khẩu dầu mỏ tại Libya và Nam Sudan đang suy giảm mạnh do xung đột quân sự và điều này cũng có thể ảnh hưởng đến những dự tính trên.
Gần đây, Iran đã có nhiều tuyên bố cho biết sẽ giành lại các thị trường dầu mỏ truyền thống trước đây của họ.
Tháng 5/2015, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết thị trường xuất khẩu dầu thô ưu tiên của nước này sẽ là Châu Á và Châu Âu. Trong cuộc họp ngày 5/6 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ông Zanganeh cũng hối thúc các thành viên tạo điều kiện để Iran có thể sản xuất lại 4 triệu thùng/ngày như mức khai thác hồi năm 2008.
Chuyên gia nghiên cứu David Fyfe của hãng Gunvor Group - 1 trong 5 hãng kinh doanh dầu mỏ lớn nhất tại Nga nhận định dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sẽ phải cạnh tranh với dầu thô từ Iran.
Loại dầu mỏ Urals của Nga xuất sang thị trường Châu Âu và loại dầu thô Kirkuk của Iraq có chất lượng tương tự như dầu mỏ của Iran.
Ngoài ra, việc xuất khẩu trở lại của Iran cũng tác động đến các nhà sản xuất dầu mỏ Tây Phi, vốn đang chịu áp lực lớn do sự bùng nổ ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích Eugene Dell của JBC Energy GmbH, việc Nigeria và Nga giao dịch trên thị trường giao ngay chứ không phải thị trường kỳ hạn khiến xuất khẩu dầu của 2 nước này dễ bị tổn thương hơn nếu Iran quay trở lại. Hiện đã có nhiều nhà máy lọc dầu tại Châu Âu ngỏ ý muốn mua trở lại dầu thô của Iran.