Đại chiến giá dầu thế giới

OPEC đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: chấp nhận giảm sản lượng chẳng khác nào tiếp thêm sức cho các đối thủ SX dầu đá phiến Bắc Mỹ và nhường thị phần cho họ, còn để giá dầu trượt dốc sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng NS phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu của họ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm một giàn khoan dầu - Ảnh: AFP

Cách đây chỉ 5 năm, nguồn cung dầu thế giới dường như sắp đạt đỉnh và do sản lượng khí đốt truyền thống sụt giảm ở Mỹ, nước này có vẻ sẽ phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu với giá cả đắt đỏ. Nhưng những dự đoán đó hóa ra hết sức sai lầm.

Cách mạng dầu khí đá phiến

Theo tạp chí Foreign Affairs, sản xuất năng lượng toàn cầu đã bắt đầu chuyển hướng khỏi những nhà cung cấp truyền thống ở khu vực Âu - Á và Trung Đông, khi các nhà sản xuất khai thác các tài nguyên dầu khí phi truyền thống trên khắp thế giới, từ các vùng biển ở Úc, Brazil, châu Phi và Địa Trung Hải đến Canada.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng lớn nhất đã diễn ra tại Mỹ, nơi các nhà sản xuất tận dụng hai công nghệ mới: khoan ngang (horizontal drilling) và fracking. Sự kết hợp hai kỹ thuật này cho phép khai thác các nguồn tài nguyên từng bị xem là không khả thi về thương mại như đá phiến.

Nhờ vậy, sản lượng năng lượng gia tăng đáng kể. Từ năm 2007 - 2012, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng hơn 50% mỗi năm và tỷ lệ của khí đá phiến trong tổng sản lượng khí đốt Mỹ tăng từ 5 - 39%. Các cơ sở từng được sử dụng để đưa khí đốt hóa lỏng nhập khẩu (LNG) đến người tiêu dùng Mỹ đang được cải tạo lại nhằm xuất ngược khí đốt ra nước ngoài. Từ năm 2007 - 2012, fracking cũng giúp gia tăng gấp 18 lần sản lượng dầu nhẹ, loại dầu chất lượng cao khai thác từ đá phiến hay sa thạch.

Đại chiến giá dầu thế giới

Sự bùng nổ này giúp đảo ngược chiều hướng sụt giảm kéo dài của sản lượng dầu thô Mỹ, đồng thời đưa quốc gia này sắp trở thành siêu cường năng lượng. Từ năm ngoái, nước này vượt qua Nga để trở thành nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới và theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, vào năm tới, Mỹ sẽ chiếm vị trí nhà sản xuất dầu thô số 1 thế giới của Ả Rập Xê Út.

Theo Foreign Affairs, dù có nhiều nước trên thế giới sở hữu trữ lượng đá phiến, nhưng khó nước nào lặp lại được thành công của Mỹ. Không chỉ cần có đặc điểm địa chất thuận lợi, cuộc cách mạng fracking còn đòi hỏi có các nhà đầu tư dám mạo hiểm, chế độ sở hữu cho phép chủ đất có quyền đối với các tài nguyên dưới lòng đất, một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng phân phối, cơ cấu công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp chứ không phải công ty dầu quốc doanh duy nhất. Nhiều nước có đá phiến, nhưng ngoại trừ Canada thì không quốc gia nào có được môi trường trường thuận lợi như Mỹ.

Không chỉ tác động thương mại, cuộc cách mạng dầu khí ở Mỹ còn tạo những hệ quả địa chính trị sâu rộng. Bản đồ thương mại năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại bởi lượng nhập khẩu của Mỹ tiếp tục giảm và các nhà sản xuất tìm thấy thị trường mới. Chẳng hạn, phần lớn dầu ở Tây Phi hiện chảy sang châu Á thay vì Mỹ. Sản lượng tiếp tục tăng của Mỹ sẽ gây áp lực lên giá cả dầu khí trên toàn cầu, từ đó giảm bớt đòn bẩy địa chính trị mà một số nhà cung cấp năng lượng từng nắm trong tay nhiều thập niên qua.

Lời tuyên chiến của OPEC

Sự bùng nổ sản lượng dầu khí đá phiến cộng với tăng trưởng kinh tế uể oải ở Trung Quốc và châu Âu là hai nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm hơn 30% kể từ tháng 6, do nguồn cung trở nên thừa mứa trong khi nhu cầu chững lại.

Điều này đặt các nước OPEC, nhất là Ả Rập Xê Út, vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: chấp nhận giảm sản lượng chẳng khác nào tiếp thêm sức lực cho các đối thủ sản xuất dầu đá phiến và nhường thị phần cho họ, còn để giá dầu trượt dốc sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng ngân sách phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu của họ.

OPEC phải đương đầu với sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 27.11, Bộ trưởng Ali al-Naimi của Ả Rập Xê Út đã kêu gọi các thành viên OPEC phải đương đầu với sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến, khi lập luận rằng việc giữ nguyên sản lượng sẽ giúp ghìm giá dầu và đánh vào lợi nhuận của các nhà sản xuất Bắc Mỹ.

Kết quả ông al-Naimi đã chiến thắng sự phản kháng từ các quốc gia OPEC nghèo hơn như Venezuela, Iran và Algeria. Mặc dù muốn giảm sản lượng chung của OPEC để đảo ngược đà lao dốc, bản thân các nước này không sẵn lòng thực hiện cắt giảm lớn nên rốt cuộc chọn cách tránh đối đầu với Ả Rập Xê Út.

Bằng cách giữ nguyên trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày, Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh đặt cược rằng giá dầu thấp sẽ buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ và các nhà sản xuất dầu chi phí cao khác phải giương cờ trắng và cắt giảm sản lượng vì không còn lợi nhuận. “Găng tay thách đấu đã được quăng ra cho các nhà sản xuất ở Tây bán cầu như Brazil, Canada và Mỹ”, Tập đoàn đầu tư Bespoke viết trong một bản tin gửi đến khách hàng ngày 28.11.

“Chúng ta sẽ thấy giá hòa vốn thực sự là bao nhiêu”, Giáo sư Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đề cập đến điểm mốc mà việc khai thác dầu bằng cách fracking trở nên phi kinh tế.

Ông Bordoff cho biết các cơ sở sản xuất dầu ở Texas vẫn sẽ đứng vững với giá dầu từ 40 - 50 USD/thùng. Giá dầu thông thường West Texas Intermediate ở Mỹ hiện 66 USD/thùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn Philip Verleger, với giá dầu West Texas Intermediate thấp hơn 70 USD/thùng, các dự án mới sẽ trở nên ít hấp dẫn do các nhà đầu tư lo sợ giá dầu sẽ tiếp tục sụt giảm.

Fracking và khoan ngang

Nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking) là cách khai thác dầu khí từ những cấu trúc đá phiến nằm sâu dưới đất thông qua việc bơm chất lỏng dưới áp lực cao, còn kỹ thuật khoan chiều ngang cho phép giếng khoan đi xuyên ngang qua những phiến đá.

Hai kỹ thuật này bắt đầu được kết hợp hồi đầu những năm 2000 để khai thác dầu khí từ những cấu trúc đá phiến, từng bị xem là cạn kiệt nhiều thập niên trước hoặc chưa từng được khai thác. Tuy nhiên, do chi phí cho công nghệ khai thác này đắt đỏ nên việc khai thác thương mại không khả thi, đến khi giá dầu gia tăng vào giai đoạn 2006 - 2008.

Ban đầu người ta khoan thẳng xuống đất đến độ sâu nơi có vỉa đá phiến, thường ở sâu gần 2 km. Khi đó, mũi khoan sẽ xoay 90độvà khoan theo chiều ngang. Khi việc khoan hoàn tất và thành giếng được gia cố, một thiết bị đặc biệt được sử dụng để bắn phá xuyên qua thành giếng vào trong vỉa đá.

Sau đó, một hỗn hợp chất lỏng gồm nước, cát và các hóa chất sẽ được bơm vào trong giếng dưới áp lực cao, đi vào những lỗ thủng và tạo ra các kẽ nứt trong đá. Đây là lý do kỹ thuật này được gọi là nứt vỡ thủy lực.

Khi nước được hút lên, cát vẫn được giữ lại trong các kẽ nứt, ngăn cho chúng không khép lại, cho phép dầu và khí chảy qua dễ dàng. Dầu và khí được giải phóng sẽ tuôn lên mặt đất. Quá trình này được lặp lại dọc theo phần nằm ngang của giếng. Cần ít nhất 3 tháng để thực hiện công đoạn gây nứt vỡ song một giếng khoan như thế có thể sản xuất trong khoảng thời gian từ 20 - 40 năm.

Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật fracking cũng tạo ra nhiều lo ngại về vấn đề môi trường. Đầu tiên là fracking tiêu tốn nước và tạo ra lượng nước thải lớn gây tác hại cho môi trường. Lo ngại thứ hai là những hóa chất có thể sinh ung thư được sử dụng trong quá trình khai thác có thể thoát ra và nhiễm vào mạch nước ngầm quanh địa điểm khai thác.

Ngoài ra, cũng có những lo sợ rằng quá trình fracking sẽ gây ra những cơn địa chấn nhỏ. Cuối cùng, các nhà vận động bảo vệ môi trường cho rằng fracking sẽ khiến các công ty năng lượng và các chính phủ lơ là việc đầu tư cho những nguồn năng lượng tái tạo.