Cụ thể, 40.000 tấn đường thô được phân cho 5 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Mía đường Lam Sơn (5.000 tấn), Công ty CP Đường Biên Hòa (15.000 tấn), Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (10.000 tấn), Công ty CP Mía đường Cần Thơ (5.000 tấn), Công ty CP Đường Khánh Hòa (5.000 tấn).
Số còn lại (37.200 tấn) là đường tinh luyện được phân giao cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua đường phục vụ cho sản xuất, trong đó Công ty CP Sữa Việt Nam được nhập khẩu nhiều nhất là 10.900 tấn, còn các doanh nghiệp khác được nhập khẩu từ 300 đến 1.500 tấn.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô sau khi tinh luyện số đường nêu trên ưu tiên cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất có đăng ký nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan nhưng chỉ được phân giao một phần so với nhu cầu đăng ký.
Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm sử dụng đường nhập khẩu đúng mục đích, không trao đổi hàng hóa, không kinh doanh thương mại, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả nhập khẩu về Bộ Công Thương.
Trước ngày 30-11, doanh nghiệp có báo cáo gửi Bộ Công Thương đánh giá khả năng nhập khẩu theo lượng hạn ngạch thuế quan được phân giao, báo cáo số lượng không có khả năng nhập khẩu để Bộ Công Thương phân giao cho các doanh nghiệp khác.
Theo Thông tư số 08/2014/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm năm 2014, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2014 được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất; sản xuất đường thô để tinh luyện là 77.200 tấn.
Nhiều năm qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị đấu thầu lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan nhưng Bộ Công Thương chỉ nâng dần lượng đường thô lên.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, Bộ không tổ chức đấu thầu là vì phương thức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường không có trong điều khoản ký kết giữa Việt Nam với các nước thành viên của WTO nên chưa thể áp dụng.