Giá xăng dầu giảm mạnh, và có thể giữ ở mức thấp trong 1-2 năm tới, vì vậy, theo TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là thời điểm thích hợp để tăng thuế với mặt hàng xăng dầu.
Trừ việc ngân sách nhà nước giảm thu, cả nền kinh tế đang được hưởng lợi nhờ giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao ông lại đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng xăng dầu?
So với các nước trong khu vực, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia và Malaysia và thấp hơn khá nhiều so với giá bán lẻ xăng dầu của các nước có chung đường biên giới (Lào, Trung Quốc, Campuchia), nếu không điều chỉnh thuế với mặt hàng chiến lược này, thì tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới bùng phát trở lại, ngân sách bị thất thu.
TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Vậy theo ông, nên tăng loại thuế nào đối với mặt hàng xăng dầu?
Mặt hàng xăng dầu hiện đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, điều chỉnh thuế nhập khẩu trong khung thuế suất (0-40%) thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh thuế nhập khẩu và hiện đã lên đến 35%. Vì vậy, nếu giá xăng dầu giảm tiếp, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu xăng dầu cũng không thể vượt quá 40%, vì theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, mức thuế nhập khẩu tối đa với xăng dầu là 40%.
Thuế giá trị gia tăng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 mức (ngoại trừ thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu). Hiện Việt Nam chỉ có 2 mức thuế giá trị gia tăng là 5% và 10%, hiện tại xăng dầu chịu thuế giá trị gia tăng là 10% - mức thuế cao nhất nên khó có thể tăng thêm nữa. Vì vậy, chỉ có thể xem xét tăng thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông, nên xem xét tăng loại thuế nào trước?
Nên tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trước, vì để điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mất rất nhiều thời gian, sớm nhất cũng phải đến tháng 5/2015, Chính phủ mới có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tôi được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương xây dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Hiện tại, mặt hàng xăng (trừ ethanol) đang chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít, dầu hỏa và mazut 300 đồng/lít. Nếu không có gì thay đổi, trong Phiên họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu hỏa và mazut.
Việc tăng thuế phải chăng là để giảm hụt thu ngân sách nhà nước, bởi theo tính toán của Bộ Tài chính, cứ giá dầu giảm 1 USD, ngân sách hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng?
Điều hành chính sách tài khóa cần linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có việc phải đảo đảm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nếu có là nhằm mục đích chống buôn lậu là chủ yếu vì theo tính toán của chúng tôi và tính toán mới nhất của Bộ Tài chính, xăng dầu giảm giá không tác động nhiều tới số thu ngân sách nhà nước năm 2015.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì ngân sách chỉ giảm thu 6.656 tỷ đồng, giá dầu ở mức 40 USD/thùng, ngân sách giảm thu 7.643 USD/thùng, thậm chí ngay cả giá dầu về mức cực đoan nhất là 30 USD/thùng thì ngân sách cũng chỉ giảm thu 8.663 USD/thùng. Số giảm thu không lớn so với tổng thu ngân sách và hoàn toàn có thể bù lại nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, kinh tế tăng trưởng cao hơn dự kiến do giá dầu thấp.
Kinh tế tăng trưởng thế nào khi giá dầu về mức 50 USD/thùng, 40 USD/thùng, thậm chí là 30 USD/thùng?
Giả sử giá dầu ở mức 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng, theo tính toán của các định chế tài chính thế giới, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2015 sẽ tăng thêm tương ứng 0,28 điểm phần trăm; 0,26 điểm phần trăm và 0,23 điểm phần trăm. Trong đó, các nền có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đầu tư, xuất - nhập khẩu với nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng sẽ tăng trưởng cao hơn.
Cụ thể, kinh tế Mỹ sẽ tăng thêm 1,11 điểm phần trăm; 1,26 điểm phần trăm; và 1,42 điểm phần trăm tương ứng với giá dầu 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng. Tương tự, kinh tế EU tăng trưởng thêm 0,66 điểm phần trăm; 0,76 điểm phần trăm và 0,85 điểm phần trăm. Còn kinh tế Nhật Bản tăng thêm 1,48 điểm phần trăm; 1,74 điểm phần trăm và 2,02 điểm phần trăm. Các nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư toàn thế giới tăng theo, trong đó nền kinh tế nước ta cũng được hưởng lợi.
Hưởng lợi thế nào, thưa ông?
Theo tính toán của chúng tôi, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, GDP của Việt Nam năm nay sẽ tăng thêm 0,48%, còn giá dầu ở mức 40 USD/thùng hoặc 30 USD/thùng thì GDP sẽ tăng thêm 0,61 điểm phần trăm hoặc 0,75 điểm phần trăm nhờ đẩy mạnh được hoạt động xuất - nhập khẩu.
Giá dầu thấp là điều kiện rất tốt để kiềm chế lạm phát, theo tính toán của chúng tôi, lạm phát năm nay chi xoay quanh mức 2,7%.