Đã có liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa, DN vẫn không mua lúa cho nông dân 

Liên kết sản xuất với tiêu thụ lúa trong mô hình cánh đồng lớn đã được quy định quyết định 62 của Chính phủ, nhưng thực tế làm thí điểm qua một vụ cho thấy, một số doanh nghiệp vẫn chưa muốn tiêu thụ lúa cho nông dân.

Chỉ mua được 55% diện tích

Tại hội nghị "Thực hiện thí điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, kế hoạch vụ đông xuân 2014-2015" được tổ chức hôm nay 8-9 tại Long An, ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục kinh tế hợp tác, đại diện Tổ công tác theo dõi và triển khai quyết định 62 của Chính phủ (quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn- PV), cho biết, vụ hè thu 2014 có 16 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Theo ông Thịnh, 16 doanh nghiệp này đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa của nông dân với diện tích trên 12.880 héc ta. Tuy nhiên thực tế chỉ có hơn 9.920 héc ta được doanh nghiệp tiêu thụ lúa đúng cam kết, tức chỉ đạt tương đương khoảng 80% kế hoạch.

Còn nếu tính cả diện tích được doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nhưng nằm ngoài chương trình thí điểm của quyết định 62, thì vụ hè thu vừa qua tỷ lệ diện tích thực tế được doanh nghiệp tiêu thụ chỉ đạt hơn 42.600 héc ta, chiếm 55% so với tổng diện tích được các doanh nghiệp đăng ký (77.420 héc ta).

Theo ông Thịnh, so với con thực tế được doanh nghiệp tiêu thụ là 30% của vụ hè thu năm 2013, thì tỷ lệ của vụ hè thu năm nay tuy có tăng hơn khoảng 25% (bao gồm cả diện tích đăng ký nằm trong và ngoài chương trình thí điểm của quyết định 62- PV) nhưng với con số đạt chỉ 55% là vẫn còn quá thấp.

Nông dân "bẻ kèo", DN yếu kém hay hạ tầng chưa đáp ứng?

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong khi một số doanh nghiệp cho rằng do nông dân "bẻ kèo" khi giá thị trường biến động, thương lái phá hoại…, thì một số khác nói do yếu kém của chính doanh nghiệp tạo nên.

"Tính đến nay, Công ty lương thực Long An chúng tôi đã thực hiện được 6 vụ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa của nông dân rồi và tỷ lệ mua luôn đạt 60-70%. Riêng vụ hè thu 2014, tỷ lệ chỉ đạt 30% do giá thị trường lên, nông dân "bè kèo" ngay", ông Ngô Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty Lương thực Long An cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), nếu doanh nghiệp làm cánh đồng lớn bài bản, giữ uy tín với nông dân, mua giá cao hơn thị trường với tinh thần hỗ trợ nông dân, thì thương lái sẽ không cạnh tranh nổi, "chứ nếu mấy doanh nghiệp làm cánh đồng lớn mà mua giá thua cả thương lái thì dĩ nhiên nông dân phải bán ra bên ngoài rồi, mua như vậy (giá mua của doanh nghiệp thua cả của thương lái- PV) thì làm cánh đồng lớn để làm gì?", ông Bình đặt vấn đề.

Theo ông Bình, với tỷ lệ tiêu thụ trong hợp đồng ký kết còn thấp, doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ cần phải nhìn lại chính mình, chứ không nên đổ thừa cho thương lái.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, lúa thu hoạch cùng một thời điểm quá nhiều làm doanh nghiệp mua không kịp nên nông dân bán ra bên ngoài cũng là lý do khiến tỷ lệ thực tế được doanh nghiệp tiêu thụ còn hạn chế.

Dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn có kế hoạch đưa diện tích liên kết, tiêu thụ lúa trong mô hình cánh đồng lớn cả năm 2015 đạt hơn 196.000 héc ta, tăng trên 57.100 héc ta, tương đương trên 41% so với năm 2014.

Riêng vụ đông xuân 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL có kế hoạch thí điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt gần 91.700 héc ta, tăng gần 17.700 héc ta so với vụ đông xuân 2013-2014 (tăng gần 24%).

Qua một vụ triển khai thí điểm thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa trong mô hình cánh đồng lớn theo quyết định 62 của Chính phủ, cho thấy có hai hình thức liên kết phổ biến được áp dụng:

Thứ nhất, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã (HTX)/tổ hợp tác (THT). Với hình thức liên kết này, HTX/THT đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với doanh nghiệp. Sau đó, lúa được sản xuất và bán theo đúng quy trình chất lượng mà doanh nghiệp yêu cầu;

Thứ hai, liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân. Hình thức này cũng giống như hình thức trên nhưng khác là doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, thay vì ký với HTX/THT.

Đối với chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cho bà con nông dân: đa số các doanh nghiệp trong 16 đơn vị thí điểm đã thực hiện chính sách hỗ trợ đầu vào như giống, phân, thuốc… không tính lãi trong vòng 4 tháng; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho HTX/THT (nếu liên kết với HTX/THT) với mức 150.000-200.000 đồng/héc ta hoặc có doanh nghiệp hỗ trợ trọn gói 13-15 triệu đồng/vụ hoặc 20 đồng/kg lúa.