Cuối mùa, giá cà phê vẫn

Cuối mùa, giá cà phê vẫn "dò đáy"

Sàn cà phê tại London nước Anh đã nói "không" tăng giá cho robusta sau khi người dân Scotland nói "không" với chuyện tách khỏi vương quốc sương mù này. Một sự tráo đổi vốn giữa thị trường cổ phiếu với hàng hóa đã xảy ra, nhưng đợt này giá hàng hóa phải hy sinh.

Sàn cà phê biến thành vật hiến tế

Các nhà lãnh đạo Âu Mỹ, đặc biệt là thủ tướng Anh cùng với giới đầu tư tài chính thở phào nhẹ nhõm khi dân chúng Scotland nói "không" tách khỏi Vương quốc Anh. Giá cổ phiếu châu Âu và Mỹ trước ngày trưng cầu dân ý 18-9 đã bốc lên mạnh mẽ sau một chuỗi tăng không chịu dừng.

Chỉ số S&P500, một thước đo quan trọng của nền kinh tế Mỹ hôm 17-9 đã tăng quá mức 2000 điểm. Chỉ số giá trị cổ phiếu CAC của Pháp cũng gần chạm mức cao nhất trong năm 2014…

Giữa hoàn cảnh thế giới còn quá nhiều bề bộn: chiến tranh khắp nơi lôi kéo nhiều nước vào cuộc, dịch bệnh Ebola chưa thể khống chế, suy thoái kinh tế ở châu Âu, ngay cả Mỹ vẫn phải tiếp tục tìm đường ra, rồi cả các nước như Brazil, Trung quốc đang gặp khó… tưởng việc Scotland nói "không" với độc lập sẽ giúp giá cà phê lên. Nhưng không, giá cà phê vẫn xuống "miệt mài".

Theo một chuyên gia trên thị trường tài chính, đấy là trò chơi hoán đổi dòng vốn, giá cổ phiếu tăng thường là do giới đầu tư rút vốn từ thị trường hàng hóa hay các kênh đầu tư khác để mua cổ phiếu. Hầu như chỉ có ca cao là thoát nạn, giá lên mức cao nhất trong vòng từ ba năm qua do ngại dịch Ebola châu Phi, còn giá vàng, dầu thô… và đặc biệt cà phê trên cả hai sàn robusta London và arabica New York đều xuống mạnh.

Giá cà phê đang "dò đáy"?

Quả vậy, vừa khi có kết quả trưng cầu dân ý từ Scotland, giá cà phê trên sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe London giao dịch hôm 19-9 có lúc chỉ còn 1.923 đô la/tấn, giảm từ đỉnh trong tháng là 2.114 đô la/tấn lập vào ngày 2-9. Chính vì vậy, "gần đến niên vụ mới rồi mà giá cứ rớt lạnh tanh", chị Lê Thị Thạch, nông dân ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, than thở. Theo chân giá kỳ hạn, giá cà phê nguyên liệu tại một số nơi đến hôm qua 19-9 chỉ còn 37,5 triệu đồng/tấn, giảm 4 triệu/tấn so với mấy ngày đầu tháng.

Giá kỳ hạn robusta London phiên cuối tuần chốt mức 1.940 đô la/tấn, giảm 57 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ trên) và chạm mức thấp nhất từ ngày 11-6 đến nay.

Giá cà phê tại vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên sáng nay 20-9 đang rủ nhau xuống thêm, chỉ còn 37,3 triệu đồng/tấn, mất 1,7 triệu đồng/tấn so với tuần trước dù lượng hàng ra thị trường không nhiều do giá thấp.

Giao dịch mua bán xuất khẩu nay cũng không mấy nhộn nhịp so với cách nay hai tuần vì giá kỳ hạn thấp. Giá xuất khẩu tính trên chênh lệch (differential) giữa giá niêm yết và giá giao hàng qua lan can tàu (FOB) nay có tăng lên còn trừ 50-60 đô la/tấn so với cách trước đây là trừ 90-100 đô la/tấn dưới giá London.

Sau đợt bán "hớ" khá mạnh tay vào dịp đầu tháng 9-2014 khi giá niêm yết tăng trên 2.100 đô la/tấn, người bán rút kinh nghiệm đến nay đã giảm chào bán trừ lùi giá thấp vì sợ giá niêm yết xuống nữa, nông dân khó chấp nhận bán ra với giá thấp do vừa giá kỳ hạn xuống vừa giá xuất khẩu "trừ lùi" rẻ.

Mua bán cà phê hàng thực hiện vẫn giao dịch theo hai loại hợp đồng chính: mua bán có giá cuối cùng ngay khi ký hợp đồng và mua bán theo giá trừ lùi hay cộng tới. Theo cách thứ hai này, hai bên mua và bán chấp nhận một mức chênh lệch giữa giá niêm yết và giá FOB cho chất lượng hàng do hai bên thống nhất và giá sẽ chốt sau theo thỏa thuận của hợp đồng trong thời gian sàn kỳ hạn đang giao dịch.

Hợp đồng này thường được gọi là hợp đồng giao sau (forwards contract). Nó khác với hợp đồng kỳ hạn (futures contract) là người bán chỉ được bán cà phê theo chất lượng do sàn kỳ hạn qui định được phép đấu giá (tenderable) và theo mức giá chuẩn định sẵn của sàn.

Tồn kho robusta tăng

Báo cáo định kỳ ra hai tuần một lần của sàn robusta Ice Liffe London cho biết tính đến ngày 15-9, lượng tồn kho cà phê robusta được công nhận chất lượng cho phép đấu giá lên sàn tăng 9.890 tấn, đạt 96.930 tấn hay 1.615.500 bao (60 kg x bao), tăng 29,43% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến lượng tồn kho thuần robusta này sẽ tiếp tục tăng mạnh vào những ngày tới do hàng xuất từ kho ngoại quan quanh TP.HCM đi mạnh trong những ngày qua để nhường chỗ cho cà phê vụ mới. Đặc biệt trong đợt tăng này, lần đầu tiên robusta của Brazil có lượng khá lớn 4.370 tấn, chỉ sau Việt Nam là 4.600 tấn, số còn lại của các nước khác như Indonesia, Bờ biển Ngà…

Tồn kho arabica được chứng nhận có thể đấu giá trên sàn Ice New York vẫn ở mức cao, đến hết ngày 19-9 đạt 143.492 tấn.

Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (Green Coffee Association - GCA) báo rằng tồn kho trong tháng 8-2014 tại Bắc Mỹ đạt 6.038.503 bao, chỉ giảm 4.161 bao so với tháng trước đó.

Tồn kho được tính không bao gồm hàng đang được trung chuyển hay ở tại các nhà máy sản xuất, lượng này chừng 1.000.000 bao. Người ta ước mỗi tuần vùng Bắc Mỹ tiêu thụ khoảng 490.000 bao cà phê. Với tổng cộng trên 7 triệu bao, cà phê đủ sử dụng cho trên 14 tuần nếu như vì lý do gì đó mà không nhập khẩu.

Tồn kho trong tay các nước tiêu thụ còn nhiều, trên 21 triệu bao, chính là một yếu tố nữa làm giá phải "dò đáy" mấy bữa nay.