Cuộc chơi của những “ông lớn”

Sau cú sốc năm 2008 khi mỗi thùng dầu được giao dịch ở mức "ngất ngư" 147 USD/thùng, những nỗ lực hồi phục nền kinh tế toàn cầu đã giữ cho giá dầu dập dìu quanh ngưỡng 100 USD/thùng trong một thời gian dài - mốc được cho là "dễ thở" với cả người bán và người mua.


Sự ổn định về giá cả đã khiến câu chuyện "vàng đen" gần như bị biến mất khỏi những trang tin thời sự nóng bỏng nhất, nhường chỗ cho những vấn đề mới từ cuộc khủng hoảng Ukraine đến cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay các vấn đề dậy sóng Biển Đông và biển Hoa Đông. Chỉ cho đến khi dầu thô không thể kết thúc chuỗi suy giảm bắt đầu từ tháng 6 thì mọi con mắt mới đổ dồn về thị trường năng lượng nhạy cảm nắm giữ mọi chuyển động kinh tế và chính trị toàn cầu.
Giá dầu đang xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Giá dầu đang xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.


Giữa lúc các nỗ lực thuyết phục Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng để cân bằng cán cân cung - cầu, kéo giá dầu đang suy sụp thê thảm thất bại thì dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh hạ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ năm 2015 xuống 93,3 triệu thùng/ngày (thấp hơn 230.000 thùng so với dự báo trước đó) đã làm tiêu tan niềm hy vọng về một sự ngược dòng của dầu thô trong tương lai gần. Bầu không khí ảm đạm đã bao trùm các sàn giao dịch hàng hóa khắp thế giới khi dầu thô chốt phiên cuối tuần ở mức 57,81 USD/thùng sau khi đã mất 2,14 cent so với một ngày trước.

Dưới góc độ chuyên môn, IEA cho rằng, nhu cầu nhiên liệu thế giới không có "cửa" gì để khởi sắc trong năm sau khi những thông tin về sự hồi phục của các trung tâm kinh tế trên toàn cầu đều không mấy "vui vẻ". Dù cơn bão nợ công đã giảm bớt cường độ nhưng Châu Âu vẫn chưa khôi phục được sản lượng kinh tế bằng năm 2007, trong khi đó, tỷ lệ đầu tư giảm khoảng 25%. Nước Mỹ cũng không thu được những thành tựu như kỳ vọng với các gói kích thích tiêu dùng khổng lồ. Ở Thái Bình Dương, những mũi tên của chính sách Abenomics táo bạo chưa giúp Nhật Bản tránh được lần suy thoái thứ tư trong 6 năm qua. Cùng với đó, nền kinh tế số hai thế giới - Trung Quốc - vốn được xem là một chủ lực kinh tế toàn cầu đang bị mắc kẹt trong cơn lốc giảm phát với báo cáo đầu tư lãng phí xếp vào hàng "khủng" lên tới 6.800 tỷ USD từ năm 2009 qua các dự án kém hiệu quả, những thành phố "ma", những nhà máy, sân vận động thừa thãi…

Nhu cầu đã không thể tăng nhưng nguồn cung vào thị trường lại chưa thể giảm khi "át chủ bài" trong OPEC là Saudi Arabia kiên quyết không giảm sản lượng vì sợ mất thị phần vào các nhà cung ứng khác như những công ty chuyên khai thác dầu đá phiến đang "nổi như cồn" của Mỹ. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể dự đoán được bao giờ giá dầu sẽ hãm đà lao dốc và sẽ xuống đến bao nhiêu. Chỉ biết rằng, sự giảm sâu của giá dầu đã tác động đáng kể đến các thị trường toàn cầu. Chứng khoán thế giới đỏ lửa và bốc hơi nhiều tỷ USD chỉ trong vài ngày qua với phần thua thiệt nhiều nhất thuộc về các công ty khai thác dầu khí và khoáng sản. Một nguy cơ bất ổn chính trị tại một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, như Venezuela, Nigeria, Iraq, Iran, Libya, Algeria do ngân sách sụt giảm vì giá dầu thấp đã được đề cập và rõ ràng là không hề viển vông. Những nước này đều xây dựng ngân sách khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng và chỉ cần một phép tính đơn giản cũng có thể thấy những tổn thất mà họ đang phải "chịu trận" khi giá dầu xuống thấp chưa từng có trong vòng 5 năm qua. Không nằm trong OPEC nhưng nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin cũng bị tổn thương nặng nề khi bị cuốn vào vòng xoáy giá dầu. Trung bình Nga sẽ mất khoảng 2 tỷ USD khi giá dầu thấp đi 1 USD/thùng. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu như cuộc đối đầu giữa Mátxcơva và phương Tây không lên tới đỉnh điểm kể từ sau Chiến tranh lạnh kéo theo sự thoái vốn ồ ạt khỏi xứ Bạch dương. Do đó, phải nói rằng cơn địa chấn giá dầu đang gây chấn động nước Nga và một hệ lụy rõ ràng nhất là đồng ruble đã bị mất giá tới 30% kể từ đầu năm đến nay.

Giá dầu sụt giảm đã khiến nhiều người "khóc ròng" thì ngược lại xu hướng đó đang khiến nhiều quốc gia được hưởng lợi, đặc biệt là những nước nhập khẩu dầu thô. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, nếu giá dầu giảm 30% sẽ cộng thêm 0,8% tăng trưởng cho các quốc gia nhập khẩu dầu. Ở góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia đều cho rằng giá dầu thấp sẽ có tác dụng tích cực đến tăng trưởng toàn cầu, hạ giá tiêu dùng và từ đó thúc đẩy người dân chi tiêu, giúp giảm bớt mối đe dọa giảm phát…

Là một mặt hàng chiến lược, việc dầu tăng hay giảm giá không phải là một câu chuyện vĩ mô xa xôi mà ảnh hưởng trực tiếp đến cơm ăn, áo mặc của từng gia đình. Đã có hàng loạt lý giải cho đợt giảm sâu của thị trường dầu, từ những lý do kinh tế đến các nguyên nhân chính trị xem giá dầu như thứ vũ khí để đánh thẳng vào túi tiền của các quốc gia đối thủ. Rõ ràng là giá dầu đang trong một cuộc chơi cân não mà phần thắng sẽ chỉ thuộc về những "ông lớn" có tiềm lực tài chính và ảnh hưởng chính trị.