Tuy nhiên, hiện tại là thời điểm mà các chuyên gia cần xem xét khả năng này vì Ả Rập Xê Út và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác tại Trung Đông hầu như sẽ không thay đổi quyết định và cắt giảm sản lượng, và mức giá hiện nay sẽ khiến ngành sản xuất dầu tại Mỹ bắt đầu phải cắt giảm sản lượng.
Những đại diện của các thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhiều lần cho biết họ sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác cho dù giá dầu có xuống thấp đến đâu đi chăng nữa. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Ali Al-Naimi cho biết ngay cả khi giá dầu xuống 20 USD/thùng, nước này cũng không thay đổi chính sách hiện nay.
Sản lượng sản xuất dầu: OPEC vs Thế giới
Những phản ứng đầu tiên của các công ty khai thác dầu mỏ Mỹ là khá tự tin khi họ không giảm sản lượng. Các công ty này thậm chí vẫn tiếp tục sản xuất kể cả với mức giá dầu rất thấp do chi phí cận biên cho việc khai thác dầu còn thấp hơn. OPEC có thể sẽ thua trong cuộc chiến này bởi tình hình ổn định xã hội của các quốc gia trong tổ chức này phụ thuộc chặt chẽ vào giá dầu, hơn nữa OPEC cũng đã không còn sức mạnh để kiểm soát thị trường dầu mỏ như trước đây nữa.
Những phản ứng lạc quan này gợi nhớ lại sự ung dung của Nga khi giá dầu bắt đầu giảm. Trong tháng 10/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không có quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nào quan tâm đến chuyện giá dầu xuống dưới 80 USD/thùng. Tuyên bố tự tin này của Nga đã đưa quốc gia này đến bờ vực của sự sụp đổ. Ngày 9/1/2014, Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Nga xuống mức chỉ cách giới hạn không khuyến nghị đầu tư (Junk Rate) một bậc. Thậm chí xếp hạng của quốc gia này có thể giảm thấp hơn nữa khi tỷ giá đồng Rúp tiếp tục giảm cùng với giá dầu.
Hành động tự mãn trong một cuộc chiến giá cả là một ý tưởng tồi. Theo lý thuyết, tất cả mọi người sẽ bị thua thiệt sau cuộc chiến này và tất cả chiến thắng chỉ là tương đối. Bên chiến thắng là bên có thể chịu đựng được mức thiệt hại lớn nhất. Hiện nay, bên thắng có thể sẽ là Ả Rập Xê Út và thậm chí, có vẻ không hợp lý, là Nga.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali Al Naimi
Hiện tại, dấu hiệu duy nhất cho thấy sự suy giảm trong sản xuất dầu thô tại Mỹ là sự sụt giảm số lượng giàn khoan đang hoạt động. Trong tuần trước, tổng số giàn khoan của Mỹ giảm 61 giàn so với tuần trước đó xuống 1.750 giàn.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu vẫn ở mức kỷ lục. Trong tuần kết thúc ngày 2/1, khi số lượng giàn khoan tại Mỹ cũng suy giảm thì sản lượng khai thác tại Mỹ đã đạt 9,13 triệu thùng/ngày, một mức kỷ lục. Những công ty khai thác dầu chỉ ngừng khai thác tại những mỏ dầu kém hiệu quả nhất, nghĩa là những mỏ dầu chỉ khai thác được vài thùng/ngày ở mức giá dầu hiện nay và không đáng phải trả chi phí đi thuê thiết bị cho những mỏ dầu này. Khi không có nước nào giảm sản lượng, giá sẽ tiếp tục đi xuống. Hiện tại, giá dầu Brent đã xuống 46,47 USD/thùng và vẫn có xu thế giảm tiếp.
Giá dầu Brent
Tất cả những yếu tố trên sẽ đưa đến cùng một kết quả. Theo một phân tích mới đây của công ty Wood Mackenzie, giá dầu Brent ở mức 40 USD/thùng hoặc thấp hơn sẽ khiến các nhà sản xuất dầu mỏ giảm khai thác với mức độ khiến nguồn cung dầu thế giới giảm mạnh. Tại mức giá 40 USD/thùng của dầu Brent, sẽ có 1,5 triệu thùng/ngày trong tổng số sản lượng toàn thế giới bị thua lỗ trong sản xuất, phần lớn đến từ các mỏ khai thác dầu cát (loại dầu có chi phí khai thác đắt nhất thế giới) tại Canada, sau đó là Mỹ và Colombia.
Điều này không có nghĩa là khi giá dầu chạm 40 USD/thùng, mức giá mà Goldman Sachs cũng dự đoán sau khi từ bỏ kỳ vọng vào việc OPEC sẽ giảm sản lượng, thì sản lượng khai thác dầu đá phiến sẽ tự động giảm 1,5 triệu thùng/ngày. Rất nhiều công ty khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tiếp tục khai thác bất chấp tình trạng thua lỗ vì các công ty này có những khoản tín dụng phải trả với tổng số nợ lên tới 200 tỷ USD, tương đương với mức nhu cầu tín dụng của các công ty năng lượng quốc doanh Nga.
Vấn đề đối với các công ty khai thác dầu tại Mỹ hiện nay là họ không thể đảo nợ khi đang thiếu hụt tài chính. Trong một số trường hợp, nếu giá dầu giữ ở mức thấp thì các công cụ cho vay tài chính khả thi nhất đối với các công ty cũng sẽ thất bại. Những công ty khai thác dầu thành công khác cũng không thể trợ giúp lẫn nhau do họ không có tiền mặt cũng như không có đủ lòng tin từ các cổ đông, những nhân tố cần thiết đảm bảo cho công cụ cho vay tài chính.
Nguy cơ vỡ nợ và tình trạng thiếu đầu tư mở rộng sản xuất cuối cùng sẽ khiến sản lượng khai thác giảm. Mặc dù Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán rằng sản lượng khai thác dầu tại Mỹ sẽ đạt 9,3 triệu thùng/ngày, tăng 700.000 thùng/ngày so với năm 2014. Tuy nhiên, nếu giá dầu Brent xuống 40 USD/thùng thì dự đoán trên sẽ không còn chính xác. Ngay cả với hiện tại thì điều đó có thể cũng là quá lạc quan.
Đối với Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương quốc các nước Ả Rập Thống nhất (UAE), họ vẫn sẽ tiếp tục khai thác dầu mỏ. Đây là những quốc gia sản xuất dầu chứ không phải là những doanh nghiệp, nên họ không thể đơn giản là ngừng khai thác. Những quốc gia này vẫn cần cung cấp tài chính cho ngân sách chính phủ và dầu mỏ là một nguồn dự trữ tài chính mang tính toàn cầu không thể thay thế.
Đối với Nga, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê Út, thì tình hình khó khăn hơn nhiều so với chế độ sản xuất dầu tại Trung Đông. Tuy nhiên, Nga vẫn có một điểm chung với các nước Trung Đông, dầu mỏ là “huyết mạch” của đất nước.
Cuộc chiến dầu mỏ hiện nay có thể là một cuộc chiến “đẫm máu” và kéo dài với một kết quả không rõ ràng. Giá dầu thay đổi trong ngắn hạn thường là do sự thay đổi trong cung cầu. Bởi vậy, giá dầu trong năm nay sẽ bị tác động chủ yếu bởi các thông tin truyền thông cũng như những phản ứng của thị trường dầu mỏ trước những thông tin này. Một làn sóng phá sản trong nghành công nghiệp sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ dần thúc đẩy giá dầu đi lên do đây là một tín hiệu tiêu cực đối với nguồn cung.
Tuy nhiên, giá dầu lên mức bao nhiêu lại là điều khó dự đoán. Giá dầu có thể tăng lên mức đủ để giải quyết tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Mỹ, tạo ra một cơ hội thứ 2 tại đây, đồng thời khiến các nước OPEC, Nga, Mehico và Na Uy lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Giá dầu cũng có thể chỉ ở mức trung bình và khiến Mỹ từ bỏ khai thác dầu đá phiến. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế của Mỹ.
Đây là thời điểm mà chính phủ Mỹ cần xem xét liệu họ có muốn nâng cấp độ trong cuộc chiến giá cả bằng sự can thiệp của nhà nước hay không. Nghĩa là chính phủ sẽ có các gói cứu trợ hoặc tạm thời giải cứu đối với các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Nếu vậy, cuối cùng thì sự cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ sẽ là một cuộc chiến giữa các quốc gia chứ không còn mang ý nghĩa là một cuộc chiến thương mại đơn thuần nữa.