Một thỏa thuận về dầu khí vào năm ngoái theo đó thuế xuất khẩu dầu mỏ sẽ được cắt giảm để đổi lại việc tăng thuế lọc dầu, điều này đã không đạt hiệu quả bởi kế hoạch này dựa trên giả định giá dầu 100 USD/thùng.
Những công ty sản xuất dầu dẫn đầu bởi công ty quốc doanh OAO Rosneft đã đề nghị chính phủ thay đổi chính sách thuế này.
Trong tình hình kinh tế suy thoái, kho bạc nhà nước Nga đang dần cạn kiệt do suy giảm doanh thu từ ngành năng lượng, hậu quả từ những biện pháp trừng phạt của Phương Tây cũng như việc đồng Rúp giảm giá mạnh đang gây áp lực lên nền kinh tế. Trong khi chính phủ Nga phải duy trì doanh thu ngân sách từ dầu mỏ thì Điện Kremlin cũng không thể gạt bỏ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng cũng như làm tổn hại đến khả năng phát triển sản xuất của khu vực này trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Kirill Molodtsov cho biết “Chúng tôi phải đối mặt với tình hình thực tế mới (giá dầu giảm) hiện nay và toàn bộ các loại thuế (đối với ngành dầu mỏ) đang được cân nhắc và có thể được thay đổi.” Ông Molodtsov cũng cho biết kiến nghị về vấn đề này sẽ được đệ trình lên Tổng thống vào cuối tháng 2/2015, nhưng một giải pháp cho vấn đề này sẽ chỉ được thực hiện sớm nhất vào đầu tháng 4/2015.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Alexander Novak cho biết “Giá dầu đang biến động mạnh. Có thể giá dầu ngày mai còn biến động mạnh hơn hôm nay, vì vậy chắc chắn sẽ không có thắc mắc nào (về việc thay đổi thuế trong ngành dầu mỏ).”
Doanh thu từ dầu mỏ
Năm 2014, Kho bạc Nhà nước Nga đã thu 6,75 nghìn tỷ Rúp tiền thuế từ ngành dầu khí, tương đương 178 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái của ngân hàng trung ương. Khi xem xét ngân sách cho năm tài khóa này, Bộ Kinh tế Nga đang dựa trên giả định giá dầu là 50 USD/thùng, thấp hơn giả định 98 USD/thùng cho năm 2014.
Tuy nhiên, tác động từ việc giá dầu giảm có thể được bù đắp một phần do đồng Rúp yếu, vốn đã giảm 47% trong 12 tháng qua so với đồng USD.
Giám đốc điều hành Igor Sechin của Rosneft đã thảo luận về chế độ thuế trong ngành dầu mỏ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước. Ông Putin cho biết tất cả mọi người cần phải tôn trọng lợi ích của nhà nước. “Những lợi ích của các doanh nghiệp là rất quan trọng bởi họ là nền móng hình thành nên cả một ngành công nghiệp, nhưng lợi ích chung của nền kinh tế cũng cần được coi trọng.”
Mặc dù vậy, chính phủ Nga cũng công nhận rằng một số điều chỉnh về thuế là cần thiết cho ngành dầu khí nước này.
Một kho chứa và đường ống dẫn dầu của Nga tại vùng Siberian
Bộ Năng lượng Nga đang phân tích sự cần thiết cho việc thay đổi cách tính toán thuế xuất khẩu dầu và thuế lọc dầu cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm dầu khí. Đồng thời, Bộ Năng lượng cũng có khả năng thay đổi kế hoạch nâng cấp các nhà máy lọc dầu.
Tranh cãi
Năm ngoái, Nga đã quyết định từng bước cắt giảm thuế xuất khẩu dầu mỏ của mình trong giai đoạn 2015-2017 đề phù hợp với những quy chế của Kazakhstan, một trong những thành viên của Liên minh Hải quan do Nga khởi xướng. Chính phủ Nga đã bù đắp cho sự cắt giảm thuế này bằng cách tăng thuế lọc dầu, nhưng dựa trên giả định giá dầu là 100 USD/thùng.
Theo ông Molodtsov, mặc dù thuế lọc dầu tại Nga đã cắt giảm lợi nhuận của các công ty lọc dầu nhưng kế hoạch thuế trong 3 năm 2015-2017 đã tăng lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu dầu lên khoảng 2,7 USD/thùng.
Ông Molodtsov cho biết tuy giá dầu thô đã giảm một nửa trong tình hình hiện nay nhưng ngành lọc dầu vẫn đem lại lợi nhuận cho các công ty sản xuất dầu ngọt nhẹ. Nếu so sánh với Châu Âu, tăng trưởng lợi nhuận của ngành dầu khí tại Nga vẫn cao hơn, thậm chí nếu tình theo tỷ giá USD.
Tuy nhiên, Giám đốc Denis Borisov của công ty dầu khí Ernst & Young cho biết các công ty sản xuất dầu mỏ sẽ chỉ có lợi nhuận với kế hoạch thuế hiện nay khi giá dầu bình quân vượt quá 70 USD/thùng trong năm nay và cao hơn 55 USD/thùng trong năm 2017. Với mức giá dầu hiện nay và với kế hoạch thu thuế hiện hành, các công ty dầu mỏ sẽ lỗ 0,6 USD/thùng trong năm nay và 0,3 USD/thùng trong năm 2017. Bên cạnh đó, lợi nhuận cho hầu hết các nhà máy lọc dầu sẽ ở mức thấp trong 3 năm tới trừ khi những nhà máy lọc dầu được nâng cấp.
Trong khi công ty dầu mỏ lớn nhất Nga là Rosneft không thay đối kế hoạch nâng cấp các nhà máy lọc dầu thì hệ thống thuế hiện hành có thể đem lại rủi ro lớn cho công ty. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính Nga vẫn giữ nguyên quan điểm rằng ngân sách nhà nước không nên bị thâm hụt.