TBKTSG: Giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian gần đây đang dấy lên những thảo luận về tác động của điều đó đến nền kinh tế nước ta. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- TS. Lê Hồng Giang: Trước hết cần xác định giá dầu giảm có tính ngắn hạn hay là xu hướng lâu dài. Nếu ngắn hạn không cần phải quá lo lắng nhưng cần rút kinh nghiệm về quản lý rủi ro giá dầu (sẽ nói thêm bên dưới).
Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng ròng nên về cơ bản giá dầu giảm sẽ làm tổng chi tiêu cho năng lượng giảm, có tác động tốt cho tăng trưởng kinh tế và có lợi cho đa số dân chúng. Bởi vậy không nên đặt ra vấn đề phải "đối phó" với giá dầu giảm như thế nào mà là phải "tận dụng" cơ hội này để kích thích tăng trưởng kinh tế như thế nào.
- TS. Phạm Thế Anh: Sự sụt giảm giá dầu là một cú sốc tích cực đối với sản xuất và tiêu dùng ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, đối với một số nền kinh tế và chính phủ phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ dầu khí, ví dụ như các nước xuất khẩu dầu mỏ vùng Trung Đông, Venezuela, Nigeria hay Nga, thì đây lại không hẳn là một tin vui. Đối với Việt Nam, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể hưởng lợi nhờ chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, Chính phủ có thể gặp khó khăn do nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) sụt giảm.
TBKTSG: Mức độ NSNN bị sụt giảm ra sao, thưa ông?
- TS. Phạm Thế Anh: Giá dầu thế giới giảm có cả tác động trực tiếp lẫn gián tiếp tới thu NSNN. Tác động trực tiếp đó là nó làm giảm thu NSNN từ xuất khẩu dầu thô. Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN sau khi có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2005-2010 thì lại có xu hướng tăng trở lại trong những năm gần đây. Tỷ trọng này giảm từ 28-29% trong năm 2005-2006 xuống chỉ còn chưa đầy 12% trong năm 2010, tuy nhiên sau đó lại tăng lên trên 15% trong năm 2011, hơn 19% trong năm 2012 và cũng xấp xỉ con số này trong năm 2013 nhờ sự tăng cao của giá dầu thế giới. Do vậy, nếu giá dầu thô trung bình trong năm mà giảm 20% thì có thể sẽ làm tổng thu NSNN giảm khoảng 4% (tương đương khoảng 1% GDP), nếu như Việt Nam không tăng sản lượng khai thác dầu thô.
"Các công ty khai thác dầu và cả Bộ Tài chính nữa, không có một cơ chế phòng ngừa rủi ro mất giá trong ngắn hạn là một thiếu sót. "
TS. Lê Hồng Giang
|
Ngoài ra, sự sụt giảm giá dầu thô còn gián tiếp tác động đến thu NSNN thông qua việc làm giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu do nó giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Tác động gián tiếp này đôi khi còn lớn hơn so với tác động trực tiếp do cơ sở thu thuế rộng.
- TS. Lê Hồng Giang: Đánh giá tác động của giá dầu giảm vào ngân sách không chỉ đơn thuần khoản hụt thu vì dầu thô. Cần phải tính thêm nguồn hụt thu từ than và các loại thuế liên quan đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Bản thân các công ty khai thác dầu có thể sẽ giảm bớt sản lượng để đợi chu kỳ giá tăng hay ngừng khai thác ở các mỏ có chi phí cao. Ngược lại giá dầu giảm sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng tạo thêm nguồn thu (từ thuế) từ các hoạt động kinh tế khác.
Nỗi lo sẽ hụt thu ngân sách vì giá dầu giảm cho thấy các công ty khai thác dầu Việt Nam (chủ yếu là PVN) phải bán giá giao ngay (spot) chứ không có hợp đồng dài hạn. Hơn nữa họ không có biện pháp bảo đảm phòng ngừa rủi ro (hedging) giá dầu hiệu quả nên khi giá spot xuống là họ bị thất thu ngay lập tức. Ngay cả Bộ Tài chính với một nguồn thu khá lớn phụ thuộc vào giá dầu mà không có một cơ chế phòng ngừa rủi ro mất giá trong ngắn hạn cũng là một thiếu sót. Đây là điều cần khắc phục trong những năm tài chính sau.
TBKTSG: Theo ông, giải bài toán cân đối ngân sách cố hữu, nhân "biến số" giá dầu như thế nào?
- TS. Lê Hồng Giang: Về lý thuyết nguồn hụt thu từ dầu thô có thể bù đắp được hoàn toàn bằng tăng thuế vào các sản phẩm xăng dầu và năng lượng khác. Tất nhiên đây là điều không tối ưu (và phản cảm về mặt xã hội) mà giải pháp tốt hơn là Chính phủ cắt giảm chi tiêu tương ứng với phần hụt thu. Quốc hội nên đưa ra yêu cầu trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính phải có phương án cắt giảm chi tiêu nếu bị hụt thu ở một mức độ nào đó. Việt Nam chưa bao giờ phải đưa ra các phương án cắt giảm tài khóa (austerity) như nhiều nước châu Âu trong cuộc khủng hoảng vừa rồi, cần làm quen với điều này.
Nếu phá giá mạnh tiền đồng thì ảnh hưởng vào ngân sách do giá dầu (tính theo đô la Mỹ) giảm sẽ không quá đáng ngại. Một cơ chế tỷ giá uyển chuyển sẽ giúp thu ngân sách và cả thu nhập của các thành phần kinh tế khác bớt bị ảnh hưởng bởi mặt bằng giá quốc tế của các loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực. Trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, tỷ giá thả nổi được coi là một cơ chế bình ổn tự động (automatic stabiliser) cho nền kinh tế, nhất là với các nước có độ mở thương mại lớn như Việt Nam.
- TS. Phạm Thế Anh: Điều nghịch lý là mặc dù thu từ dầu thô tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2013 nhờ giá dầu cao nhưng Việt Nam lại không những không cải thiện được mà còn làm xấu thêm cán cân cân ngân sách do chi tiêu công tăng quá nhanh.
"Nếu giá dầu thô trung bình trong năm mà giảm 20% thì có thể sẽ làm tổng thu NSNN giảm khoảng 4% (tương đương khoảng 1% GDP), nếu như Việt Nam không tăng sản lượng khai thác dầu thô."
TS. Phạm Thế An
|
Trong những năm có lạm phát cao như 2008, 2010 và 2011, tổng thu thuế và phí của Việt Nam cũng tăng rất cao, lần lượt tăng 31,2% trong năm 2008, 25,4% trong năm 2010 và 24,9% trong năm 2011. Ngược lại, những năm có lạm phát thấp như 2009, 2012 và 2013 thì tổng thu thuế và phí của Việt Nam cũng tăng thấp, chỉ khoảng 6,7% trong năm 2009, 3,4% trong năm 2012 và ước tính 13% trong năm 2013. Đây cũng là những năm mà thâm hụt ngân sách của Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các năm khác. Như vậy có thể thấy, một khi không kiềm chế được tốc độ tăng của chi tiêu công, thì khả năng cân bằng ngân sách của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát. Gánh nặng ngân sách sẽ được san sẻ qua người dân thông qua lạm phát.
Ngoài nguồn thu từ dầu thô, thu ngân sách của Việt Nam còn phụ thuộc vào một số khoản thu kém bền vững khác như thu từ việc bán nhà và giao đất, thu từ bán tài nguyên khác, thu từ viện trợ không hoàn lại hay thậm chí là thu từ thuế xuất nhập khẩu. Do vậy, điều cần thiết đối với Chính phủ là cần phải có lộ trình cắt giảm chi tiêu công, hoặc ít nhất là phải kiểm soát không để nó tăng cao như những năm gần đây, để có thể dần cân bằng lại ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong tương lai. |