Công ty “vét giếng” - nạn nhân đầu tiên của giá dầu

Công ty “vét giếng” - nạn nhân đầu tiên của giá dầu

Không giống giếng dầu đá phiến, có thể nhanh chóng được đóng cửa hoặc tái khởi động tùy theo xu hướng giá, các giếng dầu vét hoạt động cứng nhắc hơn, theo Bloomberg.

Trong nền kinh tế dầu mỏ trị giá 1,6 nghìn tỷ USD mỗi năm tại Mỹ, người ta nghe nhiều tới tên của những gã khổng lồ như Exxon Mobil.

Nhưng tồn tại một bộ phận doanh nghiệp khác tạm hiểu là các công ty "vét giếng" ("stripper"). Họ khai thác những gì còn sót tại từ các mỏ dầu dồi dào một thời.

Những công ty này đang hoạt động tại hơn 500.000 giếng dầu, sản xuất hơn 730.00 thùng mỗi ngày vào 2012, theo số liệu gần đây nhất.

Vị chi Mỹ cứ cho ra 10 thùng dầu, thì có 1 thùng là dầu vét giếng, ngang bằng với tổng sản lượng của Qatar, bằng nửa sản lượng của công ty năng lượng lớn nhất châu Âu Royal Dutch Shell.

Gọi là giếng, nhưng chúng chỉ là những lỗ rộng 5 cm, sử dụng loại máy hút đặc biệt có tên "nodding donkey" ("con lừa gật gù") để hút lên từng giọt dầu thô.

Máy hút dầu vét đặc biệt có tên "nodding donkey".

Tuy nhiên, chúng lại là bộ phận đóng góp mạnh mẽ vào sản lượng dầu thô Mỹ, trước khi cuộc cách mạng dầu phiến nở rộ.

Các công ty này đóng đô rải rác tại công trường khai thác cũ của những ông lớn dầu khí Mỹ.

Tuy nhiên khi giá dầu giảm 58% kể từ tháng Sáu, những công ty vừa và nhỏ này là nạn nhân đầu tiên.

"Chúng tôi đang chết dần chết mòn", ông Todd Shulman, chuyên gia địa chất học đang điều hành công ty vét giếng dầu của gia đình cho biết.

Khi giá dầu thô xuống thấp như hiện hay, những người như Shulman không thể đào giếng mới, cũng chẳng thể khởi động những giếng đã đào xong, chỉ chờ đưa vào sản xuất.

Bài toán kinh tế trở nên vô nghĩa với các giếng dầu vét, khi giá dầu thô Brent tuột xuống dưới mốc 50 USD/thùng, công ty nghiên cứu Wood Mackenzie chỉ ra.

Tính đến phiên ngày 20/1, giá dầu Brent giao sau trên sàn ICE Futures Europe London giảm 85 cent, tương đương 1,7%, xuống 47,99 USD/thùng.

Tính trong cả năm 2014, Brent mất 48% giá trị, trong bối cảnh lực cầu quốc tế suy sụp, sản lượng Mỹ vẫn tăng, đổ vào nguồn cung vốn đã thừa thãi trên thế giới.

"Khi dầu xuống tới giá này, các công ty phải đối mặt với quyết định khó khăn. Họ có thể tiếp tục sản xuất và chịu lỗ, hoặc ngừng hoạt động để giảm cung. Những công ty vét giếng tại Mỹ, với sản lượng thấp, có thể đóng cửa trước tiên", ông Robert Plummer, nhà phân tích tại Wood Mackenzie nhận xét.

Các công ty vét dầu đóng đô rải rác tại công trường khai thác cũ của những ông lớn dầu khí Mỹ.

Không giống giếng dầu đá phiến, có thể nhanh chóng được đóng cửa hoặc tái khởi động tùy theo xu hướng giá, các giếng dầu vét hoạt động cứng nhắc hơn.

Một khi đã đóng cửa, cát hoặc nước có thể rò xuống giếng, ngấm vào dầu và lấp đầy lỗ, xóa sổ một giếng dầu vét.

Trước khi xem xét phương án bất đắc dĩ này, chủ giếng dầu vét cũng xem xét các lựa chọn như những công ty dầu khí khác.

Đầu tiên, họ ngừng khoan mới, ông Gessel, chủ công ty dịch vụ dầu khí Gessel Pump Sales & Service cho biết. Ông từng điều hành một công ty vét giếng trước khi về đầu quân cho doanh nghiệp của gia đình.

Tiếp theo, họ tìm cách cắt giảm chi phí tại công trường và văn phòng, hoãn mua mới máy móc. Cuối cùng, có thể họ sa thải nhân viên, tự cắt lương lãnh đạo.

"Thảm cảnh này từng xảy ra 17 năm về trước, khi dầu sút xuống mức dưới 10USD/thùng vào năm 1998. Tôi đã sa thoải toàn bộ nhân viên, cắt lương của bản thân về 0, đắp chiếu mọi máy móc. Hy vọng kịch bản này không tái diễn trong năm 2015", ông cho biết.