Công nhân dầu mỏ Mỹ tổ chức đình công lớn nhất kể từ năm 1980

Mới đây, Hiệp hội Công nhân luyện thép của Mỹ (USW) đã tiến hành một cuộc đình công quy mô lớn nhất kể từ năm 1980 do sự bất đồng giữa lãnh đạo của hiệp hội và một vài "ông lớn" trong ngành dầu mỏ Mỹ.

Cuộc đình công bất ngờ xảy ra ngay sau thất bại của việc thống nhất ý kiến về vấn đề hợp đồng lao động giữa hiệp hội với bên kia là các doanh nghiệp dầu mỏ lớn, bao gồm cả thương hiệu Royal Dutch Shell, theo BBC.

Công nhân trong ngành dầu mỏ của Mỹ không hài lòng với công việc của mình

Chủ tịch của USW, ông Leo Genard cho biết hiệp hội này "không có sự lựa chọn nào khác và buộc phải ngừng làm việc". Bên cạnh đó, Phó chủ tịch của hiệp hội Tom Conway cũng cho rằng "ngành công nghiệp dầu là ngành giàu nhất trên thế giới và có đủ điều kiện tài chính để thực hiện sự thay đổi chúng tôi yêu cầu trong quá trình thương lượng".

"Vấn đề chính là vì các công ty dầu quá tham lam, họ không muốn tạo ra một sự thay đổi tích cực đối với nơi làm việc và coi trọng vấn đề sản lượng và lợi nhuận hơn sức khỏe, sự an toàn lao động đối với công nhân, cộng đồng", ông Conway cho biết thêm.

Đối mặt với cuộc đình công này, Royal Dutch Shell mong muốn "có thể tiếp tục quay trở lại đàm phán trong khoảng thời gian sớm nhất có thể".

Cùng tham gia cuộc đàm phán còn có tập đoàn Marathon Petrolium và LyondellBasell.

Hiệp hội Công nhân luyện thép của Mỹ (USW) đại diện cho số công nhân tại hơn 200 nhà máy lọc dầu, kho cảng và nhà máy hóa chất - đường ống ở Mỹ. Cuộc thương lượng giữa hai bên về một hợp đồng mới đã diễn ra từ ngày 21-1 năm nay.

Lãnh đạo của hiệp hội đang cố gắng tăng cường sự bảo hộ về sức khỏe, nhân đôi sự tăng trưởng thu nhập hàng năm của công nhân trong ngành từ những thỏa thuận trước đó, đồng thời cắt giảm những công nhân làm việc theo hợp đồng nhưng không thuộc hiệp hội.