Công nghiệp năng lượng Nga phụ thuộc phương Tây?

Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, vốn kéo dài gần 10 tháng, đã có những tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nga. Đầu tư nước ngoài - công cụ tốt nhất để tích hợp các nền kinh tế trên thế giới – đổ vào Nga ngày càng giảm.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, nước này sẽ mất 90 tỷ USD đầu tư nước ngoài liên quan đến cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.

Ngành công nghiệp năng lượng vẫn đang là trụ cột của nền kinh tế Nga, nơi mà hàng trăm loại khoáng chất khác nhau được khai thác mỗi ngày, kết hợp với dầu và khí tự nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh "vàng đen" và "nhiên liệu xanh", ngành khai thác than cũng là một phần rất quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng của nước này. 1/3 nguồn cung cấp than của thế giới là từ Nga, chủ yếu ở khu vực Siberia. Năm 2012, Liên bang Nga đã thông qua chương trình phát triển than dài hạn. Mục đích chính là để tăng sản lượng than hàng năm của Nga lên 430 triệu tấn. Cơ sở đầu tiên để đạt được mục tiêu này là do Nga có nguồn dự trữ than lớn. Thứ hai là dựa vào những công nghệ chuyên biệt thường được mua từ các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây. Tình trạng cạn kiệt hiện nay tại các cơ sở khai thác của Nga cho thấy một nhu cầu cần thiết trong việc nâng cấp ngay lập tức đối với 60% các địa điểm sản xuất trong lĩnh vực này (139 mỏ lộ thiên và 93 mỏ dưới lòng đất).

Nga và châu Âu vẫn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.


Hiện nay, thị trường than từ Nga bị chi phối bởi các công ty như Becker Mining Systems (Đức), Xây dựng Khai khoáng Sandvik (Phần Lan) và Liên minh xuất khẩu Công nghệ khai thác của Séc. Các mỏ lộ thiên không thể hoạt động nếu không có các thiết bị được cung cấp bởi các công ty như Caterplillar, Hitachi, Liebherr, Komatsu hoặc Terex. Trước đó, hầu hết các mỏ than Nga (cả than nâu và than bitum) hoạt động nhờ vào công nghệ của Liên Xô cũ.

Các công nghệ nước ngoài cũng rất cần thiết đối với các mỏ quặng kim loại. Ví dụ, trong các mỏ vàng và bạc của Nga, chỉ có máy móc của 3 công ty được sử dụng: Atlas Copco (Ba Lan), Hitachi và Komatsu (Nhật Bản). Mặc dù than đá, bạc, vàng và các kim loại khác vẫn là một trong những thành phần rất quan trọng trong ngành công nghiệp Nga, nhưng dầu khí còn quan trọng hơn. Nguồn dự trữ của Nga có vai trò lớn, nhưng giá cả và chi phí vận chuyển còn đóng vai trò lớn hơn. Giá dầu tăng lên trong những năm qua đã đóng góp phần lớn các nguồn thu ngân sách của Nga.

Về khai thác dầu, hơn 30 cơ sở hoạt động quy mô lớn trên lãnh thổ Nga được điều hành bởi các công ty quốc tế như Exxon Mobil, Shell, Chevron, Conoco Philips hay Mitsubishi. Hầu hết trong số chúng hoạt động ở miền tây Siberia, một phần thuộc châu Âu của Nga, chẳng hạn như các vùng Volgograd, Murmansk, Orenburg và Kirov, Krasnoyarsk và Yakutia. Tuy nhiên, không chỉ có nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Nga, các công ty của Nga cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tiềm năng ở nước ngoài. Các hướng đầu chính đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Nga bao gồm châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Gần đây, đầu tư của Nga tại Đông Nam Á được công bố như là một mục tiêu chiến lược, trong khi đầu tư của Moskva ở Bắc và Mỹ Latinh là thấp nhất.

Gazprom là công ty lớn của Nga hoạt động chủ yếu ở châu Âu, tại các nước như Ba Lan, Lithuania, Hungary, Moldova, Romania, Serbia, Belarus, Đức, Italy, Anh và Áo. Ngoài ra, cũng có những công ty năng lượng công nghiệp khác của Nga hoạt động ở khu vực này như Rosneft (ở Đức, Latvia, Italy, Estonia), Lukoil (ở Romania, Italy, Bulgaria, Hà Lan) và Zarubezhneft (ở Bosnia và Herzegovina). Gazprom Neft và Lukoil cũng có lợi ích rộng ở Trung Đông (Iraq, Ai Cập) và châu Phi (Sierra Leone, Ghana). Công ty Rosneft của Nga là thành công nhất tại thị trường Bắc Mỹ.

Tổng thống Nga Putin đã tìm cách đa dạng hóa các lĩnh vực của nền kinh tế để hạn chế chỉ phụ thuộc vào năng lượng.


Năm 2013, giá trị của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nga đạt gần 94 tỷ USD, gần bằng năm 2011 và 2012 cộng lại, và vượt 20 tỷ USD so với kỷ lục lập đươc năm 2008. Theo báo cáo của tổ chức Giám sát Xu hướng Đầu tư Toàn cầu, chỉ trong vòng một năm, giá trị FDI ở Nga tăng 80%. Kết quả này một phần là nhờ vào thương vụ mà công ty Dầu khí Anh đã mua 18% cổ phiếu của Rosneft.

Nhưng đây không phải là một thỏa thuận thành công duy nhất của Nga. Trong năm 2011, chính phủ Nga thành lập Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) với sự giám sát của các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới. Thông qua RDIF, Nga triển khai các dự án kinh doanh rộng lớn ở nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào Nga. Quỹ này hoạt động tương tự như các quỹ được thành lập ở các nước Arập hoặc ở châu Á. Nó tạo ra nguồn vốn đầu tư với các đối tác chiến lược từ các quốc gia khác và sau đó phục vụ như là một nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng và đầu tư xanh của Moskva.

Gần đây, điện Kremiln đã nhận ra rằng sẽ là một sai lầm khi phát triển nền kinh tế chỉ dựa vào nguồn tài nguyên của mình, vì vậy Moskva đã tìm cách đa dạng hoá trong lĩnh vực này. Nga cũng đã thành lập các đặc khu kinh tế, giảm thuế và nới lỏng tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện. Nhờ vậy, Nga đã cải thiện thứ hạng của mình trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh doanh, từ vị trí 111 năm 2012 lên vị trí thứ 92 năm 2013. Nhưng năm nay, Nga được cho là sẽ mất đi 90 tỷ USD vì các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nếu không có công nghệ phương Tây, Nga sẽ khó có thể khai thác nguồn tài nguyên của mình và khoan trong điều kiện khắc nghiệt.


Những biện pháp trừng phạt trên cũng đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng của Nga. Hiện nay, các công ty Mỹ cần có sự cho phép đặc biệt của Bộ Thương mại nước này mới được xuất khẩu máy khoan sang Nga. Các nhà sản xuất châu Âu không thể bán công nghệ khai thác tiên tiến cho Rosneft, Transneft và Gazprom Neft. Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với ngành công nghiệp hiện nay của Nga, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến tương lai của nó.

Nếu không có công nghệ phương Tây, Nga sẽ khó có thể khai thác nguồn tài nguyên của mình và khoan trong điều kiện khắc nghiệt. Việc thiếu vốn phương Tây trong lĩnh vực này cũng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế Nga. Trong khi Nga hiện đang được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với nợ công tương đối thấp, vị trí này có thể sẽ thay đổi, chủ yếu là do các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga.

Tương lai phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Nga phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn và công nghệ phương Tây, trong khi các biện pháp trừng phạt đang ngày một thắt chặt. Sự thành công của kinh tế Nga phụ thuộc vào nguồn hydrocarbon, vốn khó có thể khai thác hiệu quả mà mà không cần công nghệ của phương Tây. Do đó, điều cần thiết hiện nay là Nga cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do ổn định để tạo ra sự thịnh vượng lâu dài.