Trong khi đó, sản lượng ca cao ở những thị trường truyền thống không thay đổi và có diễn biến thiếu ổn định đang đẩy ngành SX sô cô la thế giới đứng trước nguy cơ thiếu hụt lượng lớn nguồn cung, giá ca cao luôn theo xu hướng đi lên. Liệu ca cao Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để trở thành "đứa con cưng" của ngành nông nghiệp Việt?
Ca cao, thị trường luôn cần
Đầu ra cho nông sản Việt vẫn luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điệp khúc được mùa mất giá, cảnh nông sản đến mùa thu hoạch không có người mua tái diễn: hàng trăm xe dưa hấu tắc nghẽn ở biên giới, dưa hấu đổ bỏ cho gia súc ăn, thanh long cho bò ăn chán chê rồi đành vứt bỏ… nông sản rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.
Nguyên nhân của nghịch lý này có thể nói là do nhiều nông sản Việt đang được phát triển theo quy trình ngược: SX, chế biến trước khi nghiên cứu nhu cầu thị trường. Để thay đổi, người nông dân Việt cần phải học cách bán cái thị trường cần chứ không phải cái mình sẵn có.
Trái với các loại nông sản khác phải loay hoay tìm đầu ra, ca cao Việt Nam luôn được các tên tuổi lớn trong ngành SX sô cô la thế giới săn đón và tìm mua do có chất lượng cao (được sánh ngang với chất lượng ca cao của các nước Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil) và sự thiếu hụt nguồn cung của thị trường.
Với tiềm năng thị trường cộng với sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và chủ trương phát triển ca cao bền vững của các nhà quản lý nông nghiệp cộng với hiệu quả kinh tế cây ca cao đem lại, có thể nói đây là cơ hội tốt để phát triển ca cao Việt Nam. |
Theo dự báo của Đại học Gent (Bỉ), năm 2020 thế giới có thể thiếu 1 triệu tấn ca cao. Các nhà kinh doanh thế giới nhìn ra vị thế đắc địa của Việt Nam, nơi cung cấp hạt ca cao mới đầy tiềm năng cho khu vực này. Chính vì vậy, đã có nhiều "đại gia" trong ngành tới cắm rễ ở Việt Nam, phát triển cơ sở thu mua,SX, bao tiêu đầu ra cho ca cao Việt.
Canh tác đúng cách, cây ca cao cho "trái ngọt"
Với cách trồng bài bản, đúng kỹ thuật, hàng ngàn hộ nông dân ở Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Tiền Giang… đã trồng ca cao thành công, tăng hiệu quả kinh tế cho đất nước và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phú - Châu Thành, Bến Tre. Ông Phú cho biết, năm 2006, gia đình ông trồng 400 cây ca cao, đến năm 2008, ông kết hợp trồng thêm 250 cây xen lẫn sầu riêng và bưởi. Hiện nay, do quá nhiều sâu bệnh, ông phải đốn sạch bưởi và tỉa bớt sầu riêng (hiện chỉ còn lại 30 gốc sầu riêng).
Trong năm 2013, gia đình ông đã thu hoạch được 14 tấn trái ca cao và 29 triệu đồng từ sầu riêng. Còn từ đầu năm đến nay, vườn ca cao của gia đình ông đã cho thu hoạch gần 10 tấn trái, với giá ổn định như những tháng vừa qua, ông thu về khoảng gần 50 triệu từ ca cao.
Ông Phú cho biết, năm nay vườn ca cao của ông cho năng suất còn cao hơn năm ngoái, nên ước tính từ giờ đến cuối năm, ông sẽ còn thu hoạch được khoảng 10 tấn trái nữa, với giá ca cao cả ổn định như hiện nay ông tin sẽ có lời lớn.
"Thực tế, có nhiều người cứ nghĩ, cây ca cao là cây trồng xen nên không chăm sóc đầy đủ vì thế năng suất thấp. Nhưng với tôi, tôi xem cây ca cao là cây chủ lực vì nó phù hợp với sức già của mình. Thật ra trồng ca cao không khó, chỉ cần tỉa cành tạo tán cây cho thông thoáng, thăm nom vườn thường xuyên phát hiện xử lý sâu bệnh kịp thời kết hợp với bón phân định kỳ (150 gr NPK/gốc/tháng) thì tôi tin cây ca cao sẽ cho năng suất tốt", ông Phú cho biết thêm.
Cây ca cao rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình của Việt Nam, hơn nữa, với lợi thế là cây có thể trồng xen, nông dân các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng trồng cây màu kém hiệu quả có thể trồng xen để tăng thu nhập như trồng ca cao xen điều, dừa, hoặc trồng ở những vùng cà phê già cỗi không có khả năng tái canh, cây ca cao đang trở thành một hướng đi tích cực cho người nông dân. Tuy nhiên, trồng ca cao hay bất cứ giống cây trồng nào cũng đòi hỏi đầu tư và kỹ thuật bài bản mới có thu nhập, hưởng lợi.