CLB xuất khẩu tỷ đô: Dệt may vượt kế hoạch?

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2014 đạt 123,83 tỷ USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2013. Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là các câu lạc bộ mặt hàng, tỉnh/thành phố và thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Là 1 trong 2 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước trong năm 2013, dệt may tiếp tục được kỳ vọng sẽ vượt kế hoạch đặt ra cho năm 2014 này và có thể cán đích kim ngạch 24,5-25 tỷ USD.

Đích gần

10 tháng năm 2014 xuất khẩu dệt may và xơ sợi dệt các loại ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính riêng hàng dệt may đạt kim ngạch 17,43 tỷ USD, tăng 18% (tương ứng tăng gần 2,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 8,17 tỷ USD, tăng 14,2%; EU đạt 2,72 tỷ USD, tăng 24,2%; Nhật Bản đạt 2,16 tỷ USD, tăng 9,8%; Hàn Quốc đạt 1,86 tỷ USD, tăng 37,8%.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang 4 thị trường lớn trên chiếm tới 85,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Như vậy, tính đến hết tháng 10 dệt may là nhóm hàng dẫn đầu về đóng góp vào phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với đà tăng trưởng này, dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có khả năng vượt 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch.

Nhìn lại năm 2013, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2012. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu dệt may vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Đây chính là tiền đề tạo sức bật cho ngành dệt may trong năm 2014 này. Song cái đáng nhìn nhận là dù kim ngạch xuất khẩu liên tục cán những mốc ấn tượng, nhưng thực chất giá trị xuất khẩu của DN nội vẫn khá khiêm tốn so với DN FDI.

Như năm 2013, dù vượt ngưỡng 20 tỷ USD nhưng DN nội chỉ chiếm 40%, DN FDI 60%. Một lo ngại nữa của ngành dệt may là xuất nhiều nhưng nhập về cũng không ít. Cụ thể, tính đến hết tháng 10, trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt, may, da, giày 14,23 tỷ USD, tăng 16,6% so với 10 tháng năm 2013. Trong đó, trị giá nhập khẩu vải 7,79 tỷ USD, tăng 14,1%; nguyên phụ liệu 3,9 tỷ USD, tăng 25,3%; xơ sợi gần 1,3 tỷ USD, tăng 2,9% và bông 1,24 tỷ USD, tăng 23,3%.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chia sẻ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng, nhưng vẫn quá phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Trước thực tế này, rất nhiều hội thảo, ý kiến được đưa ra nhằm tìm giải pháp để Việt Nam chủ động hơn trong việc cung cấp các nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, cho đến nay số DN đầu tư trong lĩnh vực dệt, sợi, nhuộm... chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là DNNN. Và khoảng trống này đang được lấp dần bởi DN FDI.

Sức hút từ các hiệp định

Khi nhắc đến các hiệp định như TPP, FTA Việt Nam - EU… dệt may luôn được nhắc đến là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất khi các hiệp định này được ký kết. Chính vì lẽ đó, thời gian qua nhiều DN FDI đã đẩy mạnh đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam, đặc biệt trong mảng các DN Việt Nam còn yếu như sản xuất sợi, dệt, nhuộm…

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 20 dự án đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD đổ vào ngành dệt may. Tiêu biểu như dự án của Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư với tổng vốn 68 triệu USD. Yulun sẽ xây nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016. Hay tại Hải Dương, Tập đoàn TAL (Hồng Công) đã đầu tư 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc tại KCN Đại An.

Cũng trong làn sóng đầu tư này, giữa tháng 4-2014, Công ty Huafa Hồng Công được tỉnh Long An chấp thuận cho đầu tư dự án kéo sợi màu (gồm có các công đoạn nhuộm bông, kéo sợi) tại KCN Thuận Đạo. Tổng diện tích của dự án 20,38ha, với tổng vốn đầu tư 2.856 tỷ đồng. Đây là nhà máy nhuộm bông, kéo sợi màu nhằm phục vụ sản phẩm sợi màu chất lượng cao cung cấp cho các công ty chuyên ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu.

Tại TPHCM, Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International, chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma... đã cam kết đầu tư 140 triệu USD. Tập đoàn này còn thành lập Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) nhằm phát triển Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp trên diện tích 45ha tại KCN Đông Nam…

Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các
hiệp định thương mại sắp tới.



Nhìn một cách lạc quan, hiện 60% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tập trung các nước thuộc khối đàm phán TPP, nên khi tham gia sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan. Song về lâu dài Nhà nước cần có những trợ lực nhất định cho DN dệt may trong việc đầu tư vào sản xuất sợi, dệt, nhuộm.

Bởi chỉ riêng rào cản như cần nguồn vốn đầu tư lớn, DN nội đã rất khó vượt qua. Và nếu cứ mãi phụ thuộc DN FDI chúng ta cũng khó lòng thoát kiếp gia công. Hội nhập đòi hỏi chúng ta phải mở cửa nhưng khi nội lực còn yếu, việc đón gió lớn sẽ khiến không ít con thuyền phải chao đảo, thậm chí lật dòng và đại dương xanh sẽ chỉ dành cho DN FDI. Đó thực sự sẽ là điều đáng tiếc.