Chuyên gia dầu mỏ: Đừng kỳ vọng ở OPEC, giá dầu có thể xuống 35-40 USD/thùng

(NDH) 'Giá dầu thế giới có khả năng sẽ giảm xuống ngưỡng 35-40 USD/thùng vào cuối quý II năm nay'

Đó là cảnh báo của ông Fereidun Fesharaki, Chủ tịch hãng FACTS Global Energy (FGE), một trong những chuyên gia dầu mỏ hàng đầu của thế giới, được đưa ra tại Hội nghị Đầu tư Châu Á được Credit Suisse tổ chức ngày 23/3.

Ông cảnh báo giá dầu thậm chí có thể xuống dưới ngưỡng đó trong một thời gian ngắn.

Trong phiên giao dịch ngày đầu tuần, giá dầu thô WTI hiện giao dịch quanh mức 46 USD/thùng, còn dầu Brent được giao dịch ở mức 55 USD/thùng trên thị trường châu Á.

Ông Fesharaki cho rằng viễn cảnh còn có thể tồi tệ hơn nếu Mỹ và Iran đạt được một thỏa thuận về hạt nhân. Hai nước hiện đang đàm phán để giảm các chương trình hạt nhân của chính quyền Tehran và đổi lại là việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Là một cựu cố vấn năng lượng của Iran, ông Fesharaki tin rằng có 80% khả năng 2 nước sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 31/3, khi đó giá dầu có thể giảm thêm 5 USD nữa.

Khi đạt được thỏa thuận, Iran có thể sẽ tăng sản lượng lên mức trước khi bị trừng phạt.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu giảm mạnh hiện nay là do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không chịu cắt giảm sản lượng, đặc biệt là các thành viên lớn trong khối như Arập Xêut, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.

Ông Fesharaki cho rằng không nên kỳ vọng vào bất kỳ thay đổi nào sớm từ OPEC mặc dù mức giá hiện tại đang gây khó khăn cho các thành viên nghèo hơn như Venezuela.

"Arập Xêut sẵn sàng cắt giảm sản lượng chỉ khi các nước khác cũng cắt giảm, trong đó có các nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà sản xuất của Nga," ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng tổng chi phí sản xuất dầu thô tại Arập Xêut là khoảng 3-5 USD/thùng, so với mức tối thiểu là 40 USD/thùng của các nhà sản xuất dầu đá phiến.

Là một thành viên của Hội đồng Dầu khí Quốc gia, ông Fesharaki cũng cho rằng sẽ không có bất kỳ khó khăn dài hạn nào từ việc giá dầu xuống mức thấp đối với ngân sách của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn ở vùng Vịnh như Arập Xêut.

"Vấn đề ngân sách tại Trung Đông không giống như vấn đề tại Mỹ, Châu Âu hay Châu Á. Nếu họ có ít tiền hơn, họ sẽ chi tiêu ít hơn."