Ông Trần Mạnh Báo - TGĐ Cty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình
Mạnh ai nấy làm
Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chương trình giống lần thứ nhất năm 2003 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ chủ trì, tôi đã nói rằng Việt Nam chưa có chiến lược phát triển giống. Do chưa có chiến lược nên việc tổ chức hệ thống không có.
Hệ thống không có dẫn đến quá trình vận động của hệ thống cũng không có. Toàn mạnh ai nấy làm, rời rạc, chắp vá từ nghiên cứu đến thương mại hóa.
Chiến lược hiểu đơn giản là kế hoạch dài hạn. Thuật ngữ này có trong quân sự trước khi có trong kinh tế. Chúng ta đáng ra phải có kế hoạch trong hai mươi năm tới ngành giống Việt Nam sẽ ở vị trí nào trên thị trường giống của Asean, của châu Á hay của thế giới.
Hệ thống của nó ra làm sao? Ai nghiên cứu cơ bản, ai nghiên cứu ứng dụng, ai làm thương mại, ai sử dụng đi kèm cơ chế vận hành. Từ gốc đến ngọn chúng ta không có cái gì cả. Vì vậy ai muốn làm thì làm, ai nghiên cứu thì nghiên cứu.
Điều đó thể hiện rõ trong gần hai mươi năm qua, các viện nghiên cứu của chúng ta cứ tách ra, nhập vào không theo mô hình gì cả, mãi về sau mới thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS).
Chúng ta không có Luật giống mà mới chỉ có Pháp lệnh giống. Pháp lệnh đó đẻ ra trong khi Việt Nam chưa hội nhập quốc tế, chỉ ở phạm vi hẹp. Hội nhập sâu thế này khi đụng đến văn bản pháp luật mà không có luật chúng ta sẽ không đủ lý lẽ mà bảo vệ.
Các nước xung quanh có chiến lược giống thế nào?
Thực ra tôi không có điều kiện để tìm hiểu chiến lược giống của một số nước lân cận nhưng qua trực tiếp thấy cách làm của họ rất bài bản chứ không lộn xộn như mình.
Như Thái Lan từ giống cây ăn quả, giống lúa đến giống vật nuôi đều hơn chúng ta vì họ duy trì được gốc. Như Hàn Quốc không có nhiều công ty giống bằng chúng ta nhưng một công ty có thể cung cấp giống cho cả nước.
Hậu quả của việc thiếu chiến lược như thế nào?
Hệ thống nghiên cứu vẫn chưa được định hình. Nghiên cứu cơ bản do các viện nghiên cứu của nhà nước. Phải có những nhà khoa học muốn hiến dâng trí tuệ cho đất nước chứ không phải cho làm giàu cá nhân.
Nghiên cứu ứng dụng để ra sản phẩm, ra thương mại. Ở ta không có hệ thống nên vừa rồi các viện chỗ nào cũng nghiên cứu, chỗ nào cũng bán giống. Nói tóm lại cả xã hội làm giống, nhưng thực chất chỉ có vài người làm, người khác lấy trộm về xào xáo đi, đặt tên khác.
Một thời gian dài chúng ta xem nhẹ việc nghiên cứu ở các doanh nghiệp. Đội ngũ các nhà khoa học đang làm việc tại doanh nghiệp hiện nay chỉ tính những người có bằng đại học trở lên đã đông hơn cả đội ngũ khoa học trong các viện.
Doanh nghiệp làm nghiên cứu với mục đích đưa sản phẩm ra, thu hồi được vốn nên không thể làm theo kiểu "trả bài" đề tài.
Ở rất nhiều hội nghị tôi đã phát biểu đề tài nghiên cứu của chúng ta không xuất phát từ thực tiễn. Tác giả lo hợp lý hóa chứng từ hơn là lo cho sản phẩm khoa học của chính đề tài đó.
Sản phẩm khoa học của đề tài giống phải ra giống nhưng nó có được phổ biến hay không lại là một chuyện khác. Ví dụ như đề tài tốn tiền tỉ như chọn tạo giống lúa ngắn ngày cho đồng bằng sông Hồng bây giờ giống đâu? SH1, SH2, SH3 bây giờ nằm đâu trong cơ cấu sản xuất?
Chúng ta không có chiến lược nên khi cuộc sống đặt ra một vấn đề mới lại bàn cách sửa sai, lại ban hành thông tư, nghị định này nọ để điều chỉnh. Mà đã sửa thì cứ cái nọ đá cái kia, cuối cùng dẫn đến kìm hãm sự phát triển.
Như Nghị định 115 là một việc làm chữa cháy để các viện tự chủ về tài chính chứ không nằm trong một chiến lược, kế hoạch nào cả.
Cơ chế đang vận hành không liên kết được giữa khối nghiên cứu và khối thương mại. Giống là gốc của sản xuất nông nghiệp nhưng không được coi trọng trong khi chỉ cần vài tạ giống không nảy mầm là đã ảnh hưởng đến bao gia đình nông dân rồi.
Sau khi có thị trường bản quyền, chúng ta tổ chức bán. Tác giả nào nghiên cứu thì người đó bán bản quyền chia chác tiền, phần cho nhà nước, phần cho viện, phần cho bản thân tác giả, nói chung là rất lúng túng.
Khu thử nghiệm giống của Cty CP Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình
+ Trước tết tôi đi Thái Lan thấy, họ không công nhận giống mà chỉ cần đăng ký là xong bởi nếu anh công nhận mà nông dân không chấp nhận cũng không ra được. Đăng ký nguồn gốc, tên giống là để bảo hộ bản quyền, tránh tranh chấp trong thương mại còn tất cả do sự lựa chọn tự nhiên của thị trường.
+ 25 năm Việt Nam làm lúa lai nhưng thử hỏi giống lai của chúng ta đang ở vị trí nào trên thị trường? Tương lai của nó ra sao?
+ Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam vừa rồi có đặt ra vấn đề chiến lược ngành giống nhưng việc xây dựng chiến lược giống là của Bộ NN-PTNT, của đất nước chứ không phải của Hiệp hội.
Viện nào cũng có đơn vị làm dịch vụ bán giống ra bên ngoài trong khi việc cung cấp giống ra bên ngoài là của doanh nghiệp. Không nước nào họ làm thế cả.
Không có doanh nghiệp trụ cột
Những doanh nghiệp nào sẽ là trụ cột của ngành giống Việt Nam? Không có. Hai công ty lớn là Cty CP Giống cây trồng Trung ương và Cty CP Giống cây trồng miền Nam thì hiện quỹ của nước ngoài đã mua gần hết. Giống dự trữ quốc gia giờ giao cho ai quản lý hay giao cho nước ngoài đây?
Việc thoái vốn ở các doanh nghiệp giống trụ cột thực sự là một vấn đề. Cơ cấu lại nền kinh tế nhưng không thể làm ào ào, nhà nước buông xuôi luôn như vậy.
Không có chiến lược công nghiệp hóa ngành giống, các doanh nghiệp tự phải xoay xở mà làm. Công ty giống mọc lên như nấm sau mưa còn trụ cột không biết là ai, cả hệ thống đều bị động. Giờ các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu hợp tác nhưng chưa có cơ chế cụ thể mà chỉ tự lần mò với nhau mà thôi.
Công ty của ông xây dựng chiến lược ra sao để có được sự thành công như hiện nay?
Chúng tôi có chiến lược rõ ràng. Tôi xây dựng chiến lược mất 3 năm từ 2000-2003. Tất cả những giải pháp của chiến lược đó trong vòng 10 năm đã thực hiện xong và đem lại hiệu quả như bây giờ.
Từ một doanh nghiệp nhỏ bé giờ thành một trong số những doanh nghiệp hàng đầu. Từ chỗ chưa có phòng marketing giờ đã có thị trường rộng lớn trong cả nước với 15 chi nhánh. Từ chỗ doanh nghiệp công ích, nhà nước phải bù lỗ giờ thành doanh nghiệp người lao động chiếm trên 80% cổ phần.
Từ chỗ không hề biết nghiên cứu là gì, chỉ làm thương mại đơn thuần trong tỉnh, một năm bán 1.600 tấn giống với 450 lao động giờ có 300 lao động, có nhà máy chế biến, có trung tâm nghiên cứu, có phòng thử nghiệm quốc gia, bán xấp xỉ 20.000 tấn/năm.
Gốc của vấn đề là ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm cho riêng mình. Trung tâm nghiên cứu của chúng tôi có tới 2.000 dòng vật liệu, trong nước có, ngoài nước có nhưng không lấy dòng nào của các viện cả.
Trong 10 năm chúng tôi được công nhận 10 giống quốc gia. Những giống này đều nằm trong cơ cấu sản xuất cả. Giống bán ít nhất phải 300 tấn/năm, giống bán nhiều nhất là hơn 10.000 tấn/năm (tương đương 500.000-600.000 ha bằng diện tích tất cả các giống lúa lai cộng lại).
Chúng tôi không đi theo con đường của các doanh nghiệp khác. Tôi từng bị phê phán là không mặn mà với lúa lai cho nên các đề tài, các dự án lúa lai không được tham gia thậm chí có sản xuất lúa lai nhưng không được hỗ trợ 6 triệu/ha.
Còn bây giờ, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào vượt qua được chúng tôi về lúa thuần cả.
Ông nói thế nhưng BC15 là giống chủ lực của mình cũng đi mua chứ đâu phải tự nghiên cứu?
Chúng tôi mua vật liệu chứ không phải mua giống BC15. Sau mua chúng tôi chọn còn có 54 dạng khác nhau chứ không phải đơn giản.
Xin cảm ơn ông!