|
Hơn 1 tháng nay, giá bán gia cầm đứng ở mức cao |
Chi tiêu tăng vọt
Nhẩm cộng dồn các khoản chi tiêu trong gia đình trong nửa tháng 9, chị Nguyễn Hà Linh (Cục Lưu trữ quốc gia) thở dài vì thấy tổng mức chi tiêu của gia đình vẫn tăng. Chị cho biết, trung bình mỗi tháng nhà chị chi hết khoảng 1,5 -1,6 triệu đồng tiền xăng cho hai chiếc xe máy. Từ cuối tháng 7 đến nay, xăng giảm giá 5 lần tổng cộng 1.930 đồng/lít, tức mỗi tháng nhà chị cũng bớt được 250.000 đồng tiền xăng. Thế nhưng, khá nhiều mặt hàng thiết yếu lại tăng giá khiến tổng chi của nhà chị vẫn tăng.
Khi xăng dầu năm lần giảm giá liên tiếp, nhưng giá cả thị trường không hề giảm, điều đó cho thấy, khâu kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng vẫn đang bị "bỏ ngỏ". Ông Vũ Vinh Phú
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Chị Linh ví dụ, từ đầu tháng 8, khi đi chợ chị thấy giá thịt lợn đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg các loại, thịt gà tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg, gạo tăng 300 đồng/kg, rau xanh tăng khoảng 1.000 đồng/mớ…
"Sáng nay tôi đi chợ đã phải mua rau muống với giá 5.000 đồng/mớ, trong khi tháng trước vẫn là 4.000 đồng, còn tháng 7 thì chỉ 3.000 đồng. Ngay loại men vi sinh Antibio con nhà tôi quen dùng, 2 tháng trước mua có 25.000 đồng/gói, nay cũng chỉ đổi mẫu mã mà lên tới 47.000 đồng/gói", chị Linh tính toán.
Bác Trần Thị Vy, ở C2 khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho hay, cứ ngỡ giá xăng giảm liên tiếp thì hàng hóa sẽ giảm theo, nào ngờ chỉ thấy giá tăng. "Hôm 2/9, tôi đi chợ thấy giá mỗi loại tăng một tý thì chỉ nghĩ hàng hóa tăng giá dịp nghỉ lễ. Giờ nghỉ lễ qua lâu rồi mà giá cả vẫn đứng mức cao, cua đồng lên tới 140.000 đồng/kg; tôm sú loại vừa vừa cũng 300.000 đồng/kg, ngay chai dầu ăn Neptune trước toàn mua 42.000 đồng/lít nay cũng thấy lên 45.000 đồng/lít rồi", bác Vy than phiền.
Nhiều mặt hàng rập rình tăng giá
Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thừa nhận khoảng hơn một tháng nay, giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước tăng, trong đó gà ta tăng khoảng 10.000 đồng/kg, trứng gà, vịt các loại tăng khoảng 1.000-3.000 đồng/chục, thịt lợn hơi nhích nhẹ giá xuất chuồng lên mức 45.000-55.000 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng giá được ông Trọng giải thích là do nhiều tháng trước, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp nên nhiều nông dân bỏ trống chuồng, dẫn tới nguồn cung khan hiếm hơn so với cầu, đẩy giá bán lên theo. "Giá sản phẩm chăn nuôi còn phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, cung - cầu… nên khó dự đoán thời gian tới sẽ tăng hay giảm, nhưng xu hướng sản phẩm chăn nuôi tăng giá vào cuối năm là có", ông Trọng cho hay.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy, giá thóc gạo đang tiếp tục chiều hướng tăng trong tháng 9. Hiện giá lúa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long 5.650 - 5.750 đồng/kg; giá lúa dài 5.900 - 6.000 đồng/kg, tăng 200 - 250 đồng/kg so với tháng 7. Hiệp hội Lương thực nhận định, giá lúa, gạo trong thời gian tới có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do các doanh nghiệp hoàn tất hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký.
Hiện trên thị trường, giá gạo chỉ tăng nhẹ như gạo Bắc Hương 15.000 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg), gạo Khang Dân 12.500 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg), gạo Nếp Cái Hoa Vàng 24.000 đồng/kg… nhưng chị Phương, chủ đại lý gạo ở 358 Trần Cung cho hay, việc mua gom thóc gạo số lượng lớn ở thời điểm này đã khá khó khăn và dự kiến, từ nay đến cuối năm giá thóc gạo "chỉ tăng mà không giảm".
Không chỉ hệ thống chợ truyền thống mới có hiện tượng "neo" giá ở mức cao mà ngay cả hệ thống siêu thị cũng giữ nguyên giá bán. Tuy nhiên, cả đại diện các siêu thị khi được hỏi đều "né" trách nhiệm khi cho rằng, họ chỉ làm công việc phân phối, việc giảm giá phải từ doanh nghiệp sản xuất, trong khi hiện chưa thấy nhà cung cấp nào lên tiếng về kế hoạch giảm giá.