Giá theo đà giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014 các DN xuất khẩu (XK) gạo cả nước đã ký hợp đồng XK được khoảng 6,51 triệu tấn gạo. Số hợp đồng này bao gồm cả 613.000 tấn chuyển sang từ năm 2013. Tính đến nay, các DN đã giao hàng được 4,78 triệu tấn, còn lại hơn 1,78 triệu tấn sẽ giao hàng từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, thời điểm này các DN đang tồn kho khoảng 1,19 triệu tấn. Như vậy để có đủ lượng gạo giao hàng cho các hợp đồng đã ký, thời gian tới, các DN sẽ phải mua vào khoảng 638.000 tấn nữa. VFA dự báo lượng gạo cân đối XK còn lại trong quý 4/2014 ước khoảng 810.000 tấn.
Do đó, vẫn có đủ nguồn cung để các DN thu mua XK. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, giá mua lúa gạo nguyên liệu vụ Thu Đông năm nay sẽ không có cơ hội tăng vì từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm hợp đồng tập trung nào lớn được ký kết.
Đánh giá về tình hình thế giới, ông Bảy nhận định rằng, Thái Lan đang chuẩn bị thu hoạch vụ chính vào tháng 11. Chính phủ nước này cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chiếm lại các thị trường truyền thống và sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới.
Vì thế, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sẽ rất gay gắt và xu hướng giá XK sẽ giảm trong đầu năm 2015. Hiện nay nhiều thông tin gạo 5% tấm của Việt Nam được bán ở mức 445 USD/tấn, nhưng ông Bảy cho rằng mức bán trung bình chỉ đạt khoảng 435 USD/tấn, và giá này có thể giảm xuống thêm nữa.
Hiện nay cũng đã có thông tin Chính phủ Philippines sẽ không nhập thêm gạo trong năm 2014. Hạn mức NK trong năm 2015 mặc dù chưa được cơ quan lương thực nước này công bố, nhưng chắc chắn, muốn bán gạo vào thị trường này các tháng đầu năm 2015 các DN Việt Nam sẽ phải hạ giá để bắt kịp động thái của các nhà XK Thái Lan.
Các DN xuất khẩu gạo đang trông chờ chủ trương hỗ trợ của Nhà nước
Chưa đề xuất tạm trữ
Ông Phạm Văn Bảy cho biết, trong vụ Đông Xuân 2013-2014 các DN XK gạo đã thực hiện mua tạm trữ được 995,5 ngàn tấn gạo theo chủ chương tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ. Nhờ việc mua tạm trữ này giá thu mua lúa gạo nguyên liệu vụ Đông Xuân ở các địa phương tăng khoảng 50-300 đồng/kg. Vụ Hè Thu 2014, mặc dù Chính phủ không thực hiện chương trình tạm trữ nhưng giá lúa gạo ở các địa phương ĐBSCL vẫn ổn định ở mức cao do thương lái mua gom phục vụ XK tiểu ngạch sang Trung Quốc.
"Vụ Đông Xuân tới đây, tình hình thị trường và giá XK cơ bản cho thấy đang rất khó khăn. Hiện các DN XK do phải mua nguyên liệu quá cao nên cũng đang phải chịu áp lực lỗ vốn. Vì thế nếu tình hình diễn biến xấu quá trong các tháng đầu năm thì Hiệp hội sẽ có kiến nghị để Bộ NN&PTNT trình với Chính phủ về giải pháp thu mua tạm trữ", ông Bảy cho biết.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm, VFA kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng giải ngân phần vốn hỗ trợ lãi suất theo chương trình tạm trữ vụ Đông Xuân 2013-2014 để các DN XK có vốn thu mua lúa nguyên liệu vụ Thu Đông.
Ngoài ra, hiện nay, một số ngân hàng đặt điều kiện DN phải có hợp đồng XK thì mới được giải ngân vay vốn. Vì thế VFA kiến nghị NHNN xem xét để có cơ chế tháo gỡ nút thắt này. Lý luận của VFA là, nếu bắt buộc DN phải có hợp đồng XK thì mới cho vay sẽ mâu thuẫn với các quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ - CP. Bởi để đáp ứng điều kiện đăng ký XK các DN đã phải có sẵn 50% lượng gạo trong kho. Mà nếu không có vốn để thu mua thì không thực hiện hợp đồng XK được.
Theo Cục Trồng trọt, dự báo đến hết năm 2014, sản lượng lúa thu hoạch của cả nước ước khoảng 25,48 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa ước khoảng 17,08 triệu tấn (tương đương 8,54 triệu tấn gạo phục vụ XK). Dự báo trong năm 2015 sản lượng lúa sẽ tăng khoảng 2,5 triệu tấn. Hiện toàn vùng ĐBSCL đã xây dựng được khoảng 202.000 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. |