Chủ động bình ổn giá dịp Tết Ất Mùi 2015

Chủ động bình ổn giá dịp Tết Ất Mùi 2015

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Ất mùi 2015, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá thị trường để phục vụ tốt người dân trong kỳ nghỉ lễ truyền thống quan trọng này.

Tại Vĩnh Phúc, tỉnh dự kiến sẽ tạm ứng cho các doanh nghiệp 53,919 tỷ đồng để tạo nguồn hàng tham gia bình ổn giá thị trường dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Mùi 2015.

Nguồn vốn này đáp ứng trung bình khoảng 15% so với nhu cầu tổng mức tiêu thụ 4 mặt hàng: thị gia súc, gia cầm, trứng gia cầm và dầu ăn trong từng tháng. UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng tối thiểu 10%, đảm bảo nâng tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng khoảng 25% tổng mức tiêu thụ trên địa bàn.

Theo tính toán của Sở Công Thương, nhu cầu tiêu thụ gạo tẻ thường của nhân dân trong tỉnh khoảng 9.328,5 tấn/tháng, thịt lợn là 143,8 tấn/tháng, thịt gà 932,9 tấn/tháng, trứng gia cầm hơn 9 triệu quả và dầu ăn khoảng hơn 466.000 lít/tháng. Các mặt hàng này, nhất là dầu ăn và thịt gia súc, gia cầm luôn có nhiều biến động tăng cao do nguyên liệu đầu vào chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu. Tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo có giá bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá. Việc thực hiện chương trình sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động kiểm soát, điều tiết giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Được biết, năm 2013, có 7 doanh nghiệp tham gia chương trình với 35 điểm bán hành bình ổn giá cố định và lưu động. Các doanh nghiệp đã chủ động bảo đảm nguồn hàng dự trữ, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Qua chương trình, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường ít nhất 5%-10%.

Đồng Nai: 84 tỷ đồng hỗ trợ bình ổn giá dịp tết

Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tới đây, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện hỗ trợ giá 10 mặt hàng để tham gia bình ổn giá gồm: gạo, đường, dầu ăn, trứng, thịt heo, thịt gà, bột ngọt, nước chấm, thuốc tân dược và rau tươi.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp tết có nhu cầu vay vốn để dự trữ hàng hóa sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% thông qua Quỹ Đầu tư phát triển. Riêng các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn dự trữ hàng hóa trả phí 0,2%/tháng.

Thời gian thực hiện chương trình từ tháng 11/2014 đến 28/2/2015 đối với mặt hàng thịt heo, thịt gà. Các mặt hàng khác từ tháng 1/2015 đến 28/2/2015. Tổng số tiền tỉnh dự tính sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã dự trữ hàng bình ổn giá cho dịp tết là 84 tỷ đồng.

Bình Thuận chủ động bình ổn thị trường dịp Tết Ất Mùi

Theo dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Bình Thuận trong tháng Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả có thể tăng trên 20%. Để lượng hàng hóa lưu thông bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo đó, hàng hóa bình ổn giá tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như gạo, nếp, thịt, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả các loại, muối iốt… Các hàng hóa này phải bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Thời gian thực hiện bình ổn giá được thực hiện trong 4 tháng, từ tháng 12/2014 đến tháng 3/2015. Với mức dự trữ hàng hóa bình ổn tăng từ 20-25% so với năm trước, thì nhu cầu vốn vay của các đơn vị tương ứng 55 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ cần chủ động cân đối nguồn tín dụng đáp ứng yêu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.

Thực tế cho thấy việc tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá là hết sức cần thiết nhằm góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong dịp tết cổ truyền, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

>>>Đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết

Theo Khánh Linh