“Không phải bằng vài công văn mà xóa ngay được chợ Long Biên"
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 27.8.2010 của UBND Thành phố về việc phê duyệt phân hạng các chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, thì chợ Long Biên – quận Ba Đình được phân hạng 2 (tức chợ dân sinh); chợ đầu mối phía Nam – quận Hoàng Mai là chợ đầu mối, phân hạng 1.
Chợ Long Biên được phân hạng là chợ dân sinh chứ không phải là chợ đầu mối. Ảnh: Đàm Duy
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối đang hoạt động là chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai. Tuy nhiên, 2 chợ này chưa đáp ứng được tiêu chuẩn là chợ đầu mối. Do đó, trên địa bàn thành phố có nhiều chợ khác (hạng 1, hạng 2) phải thực hiện nhiệm vụ chợ đầu mối để đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Cụ thể như: chợ Long Biên (chuyên doanh ngành hàng trái cây và rau củ quả), chợ hoa Quảng An – quận Tây Hồ (chuyên doanh ngành hàng hoa, cây cảnh), chợ cá Yên Sở – quận Hoàng Mai (chuyên doanh ngành hàng cá, thủy sản tươi sống), chợ gia cầm Hà Vỹ – huyện Thường Tín (chuyên doanh ngành hàng gia cầm, thủy cầm)…
Các chợ này có diện tích nhỏ, không còn quỹ đất mở rộng, phần lớn nằm tại khu vực các quận trung tâm Thành phố… nên không đủ tiêu chuẩn để nâng cấp thành chợ đầu mối.
Hiện nay, hoạt động của các chợ này đã quá tải (nhất là chợ Long Biên), hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động của chợ như: Phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, diện tích điểm kinh doanh…
Căn cứ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05.11.2012, trên địa bàn Thành phố Hà Nội sẽ có 7 chợ đầu mối, bao gồm 2 chợ đầu mối hiện có (chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai) và xây dựng mới 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng (tại 5 khu vực: Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm, khu đô thị Mê Linh, đô thị Phú Xuyên, huyện Quốc Oai và thị xã Sơn Tây). Đồng thời giữ nguyên công năng chợ Long Biên là chợ dân sinh, hạng 2.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương thì Thành phố Hà Nội xây dựng mới 3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Gia Lâm, chợ đầu mối Quốc Oai và chợ đầu mối Phú Xuyên), đối với chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam thuộc diện phải xóa bỏ, di dời.
Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chợ, Sở Công Thương đang trình UBND Thành phố xem xét đầu tư xây dựng các chợ đầu mối trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trước mắt, trong năm 2015 – 2016, sẽ tập trung thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với chợ đầu mối Gia Lâm.
Sau khi xây dựng xong các chợ đầu mối theo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bán buôn, phát luồng cung cấp hàng hóa cho các cơ sở kinh doanh, chợ dân sinh… để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận thì các chợ hạng 1, hạng 2 (như chợ Long Biên) sẽ thôi chức năng chợ đầu mối để trở về hoạt động đúng công năng là chợ dân sinh.