Sau khi quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út qua đời, quốc gia này vẫn giữ nguyên chính sách không cắt giảm sản lượng khai thác. Quyết định này có lẽ là chính xác trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lý do đằng sau động thái trên của Ả Rập Xê Út khác rất nhiều so với những gì mà hầu hết các chuyên gia đã dự đoán.
Cố quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah
Trong khi vương quốc xuất khẩu dầu lửa này sẽ hầu như không thay đổi sản lượng khai thác và các nước sản xuất dầu ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng không nhượng bộ, nhiều khả năng Nội các mới của Ả Rập Xê Út sẽ thay đổi mối quan tâm cũng như các chính sách đối với những nguồn năng lượng khác như khí đốt.
Cơ sở của các chính sách khôn ngoan tại quốc gia Trung Đông này thường bắt nguồn từ tính cách của nhà lãnh đạo. Quốc vương mới của Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz đã liên tục cam kết rằng sẽ tuân thủ các “chính sách đúng đắn” của người tiền nhiệm. Ông cũng cho biết Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Al-Naimi sẽ tiếp tục tại chức.
Mặc dù cá tính của nhà lãnh đạo đóng vai trò lớn tại Ả Rập Xê Út, nhưng lý do thực sự cho việc duy trì chính sách lại không ảnh hưởng nhiều bởi tính cách của họ. Thay vào đó, văn hóa như thường lệ lại đóng vai trò lớn, ít nhất là trong ngắn hạn, cho lý do tại sao quốc gia Trung Đông này không cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Có một sự thật hiển nhiên rằng không có gì quan trọng hơn việc duy trì sức mạnh quốc gia tại vùng Trung Đông. Vì vậy, việc thể hiện sức mạnh là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong quá trình chuyển giao quyền lực cấp cao nhất tại đây. Mặc dù sự chuyển giao quyền lực cho Vua Salman được diễn ra êm thấm nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã lo ngại về những bất ổn trong nước sẽ diễn ra vào thời điểm này. Hơn thế nữa, tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết kể từ sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, khiến việc hiểu được tầm quan trọng của sự thể hiện sức mạnh là chìa khóa cho sự dự đoán chính xác các động thái của Ả Rập Xê Út.
Nếu dựa trên việc thể hiện sức mạnh để phân tích thì vương quốc Trung Đông này sẽ gần như giữ nguyên sản lượng khai thác dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu các chuyên gia cho rằng chính sách dầu mỏ của Ả Rập Xê Út là để gây tổn thương cho chính quyền Iran thì họ đang mắc sai lầm tồi tệ nhất trong thời điểm hiện tại. Một số chuyên gia dự đoán rằng vị vua mới có thể cắt giảm sản lượng sản xuất dầu (khiến giá dầu tăng) để giảm sức ép về kinh tế lên Iran, qua đó bắt đầu một cuộc đàm phán mang tính xây dựng hơn giữa 2 quốc gia. Sau khi quốc vương Abdullah qua đời, Iran đã có những động thái gây sức ép lên Ả Rập Xê Út trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Mặc dù vậy, động thái cắt giảm sản lượng (nếu có) của Ả Rập Xê Út trong khu vực được xem như là một dấu hiệu cho sự thiếu cứng rắn của người kế nhiệm quốc vương Abdullah hơn là một cử chỉ thiện chí từ một cường quốc dầu mỏ.
Giáo chủ Ali Khamenei của Iran
Ngược lại, nếu giả thiết rằng các chính sách của Ả Rập Xê Út không bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các vấn đề địa chính trị thì kết quả là việc cắt giảm sản lượng sẽ hầu như không xảy ra trong thời gian tới. Các quan chức chính phủ Ả Rập Xê Út vẫn chưa quên bài học trong thập kỷ 80, khi quốc gia này cắt giảm sản lượng khai thác trong tình hình những nước ngoài OPEC gia tăng khai thác, nhưng giá dầu vẫn không tăng. Trong tình hình thị trường hiện nay, khi ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ, các quan chức Ả Rập Xê Út vẫn lo ngại về một điều tương tự xảy ra trong thập kỷ 80.
Giá dầu thập kỷ 80 giảm mạnh
Ngay cả trước khi quốc vương Abdullah qua đời, các nhà hoạch định chính sách tại quốc gia Trung Đông này vẫn lo ngại rằng việc cắt giảm sản lượng khai thác sẽ không làm tăng giá dầu mà chỉ khiến Ả Rập Xê Út mất quyền kiểm soát dầu mỏ. Tốt hơn hết là không nên mạo hiểm hơn là mạo hiểm và thất bại. Hiện tại, khi vị vua mới lên nắm quyền thì suy đoán này có vẻ chính xác hơn bao giờ hết.
Trong ngắn hạn, việc thay đổi sản lượng khai thác dầu có vẻ không khả thi. Tuy nhiên, sẽ là vô lý khi cho rằng điều này sẽ không thay đổi trong tương lai. Theo lý thuyết, tình hình tài chính của Ả Rập Xê Út có thể chống đỡ được giá dầu ở mức thấp trong nhiều năm. Ngân sách cho năm tài khóa 2015 đã tăng cao với trích lập sự phòng thâm hụt lên tới 40 tỷ USD, và mức thâm hụt còn có thể cao hơn khi giá dầu xuống dưới 50 USD/thùng như trong kế hoạch. Mặc dù vậy, việc thâm hụt ngân sách năm này qua năm khác chỉ có thể áp dụng dựa trên giả định rằng giá dầu sẽ dần khôi phục lên mức cao hơn, qua đó cho phép Ả Rập Xê Út khôi phục kho bạc của mình. Nếu xu hướng thị trường dầu mỏ thời gian gần đây không phải là tạm thời mà là một biên độ mới cho giá dầu thì tình hình sẽ khác, và các nhà hoạch định chính sách khôn ngoan của Ả Rập Xê Út chắc chắn sẽ phải cân nhắc khả năng trên trong kế hoạch của họ.
Giá dầu Brent
Bên cạnh đó, quốc gia này có thể sẽ thay đổi một số bộ trưởng mới trong nửa năm tới, bất chấp những tuyên bố gần đây rằng việc lên ngôi của vị vua mới sẽ không làm thay đổi nội các, do những thay đổi trong chính sách cho dù có liên quan đến dầu mỏ hay không.
Các vị vua mới lên ngôi của Ả Rập Xê Út trước đây thường ưa thích tự lựa chọn cho những chức vị bộ trưởng quyền lực. Nếu vị vua mới Salman đã có sự bổ nhiệm đầu tiên đối với người con trai của ông lên làm Bộ trưởng Quốc phòng và Chánh Văn phòng Nội vụ Hoàng gia thì không có lý do gì vị vua này lại không thể gây dựng ảnh hưởng của mình trong chính phủ. Hơn nữa, việc chỉ định cháu trai của cố quốc vương Abdullah, ông Mohammed bin Nayef, lên làm người kế nhiệm và là Phó Thủ tướng làm dấy lên những nghi ngờ về sự thay đổi Nội các trong những tháng tới bởi sẽ là bất thường khi ông Nayef, mới 55 tuổi, phải chủ trì Nội các bao gồm nhiều vị hoàng tử cùng thế hệ nhưng lớn tuổi hơn.
Ông Mohammed bin Nayef
Ngoài ra, một số quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Dầu mỏ 79 tuổi Ali Al Naimi và Bộ trưởng ngoại giao đang có sức khỏe yếu Saud al-Faisal, đã tại vị quá lâu. Nhiều chuyên gia cho rằng những vị bộ trưởng này vẫn được tại vị là do những mối quan hệ cá nhân của họ với cố quốc vương Abdullah. Sau khi việc chuyển giao quyền lực được hoàn tất, đây có thể là thời điểm thích hợp để những bộ trưởng này thuyên chuyển đến những vị trí ít áp lực hơn.
Một vị bộ trưởng dầu mỏ mới không có nghĩa là chính sách khai thác dầu của nước này sẽ thay đổi ngay lập tức, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến những chính sách năng lượng khác trong nước, bao gồm mở cửa khu vực khí đốt tự nhiên cho các công ty nước ngoài. Năm 1998, Ả Rập Xê Út đưa ra một “sáng kiến về khí đốt” và hoan nghênh một số tập đoàn quốc tế tham gia khai phát tiềm năng khí đốt tại đây. Tuy nhiên, tiến triển của dự án này là rất chậm, có thể do sự xung đột giữa các cố vấn chính phủ và các thành viên hoàng gia Ả Rập Xê Út về sáng kiến đưa các công ty nước ngoài vào phát triển tài nguyên tại nước này, trong tình hình công ty quốc doanh Saudi Aramco hầu như độc quyền cho việc sản xuất dầu tại đây.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali Al Naimi
Hiện tại, vấn đề phát triển khí đốt tự nhiên tại Ả Rập Xê Út lại một lần nữa được chú ý khi lượng tiêu thụ năng lượng nội địa của quốc gia này không suy giảm và nước này tiếp tục đốt dầu để sản xuất điện, trong khi lượng dầu này đáng ra nên được xuất khẩu. Việc hợp tác với các công ty khác nhằm phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên, vốn khó khăn để khai thác, mà không làm ảnh hưởng đến sản xuất dầu mỏ có thể là một ý tưởng hay.
Tóm lại, khi quốc vương mới Salman lên ngôi thì giá dầu có thể vẫn sẽ không tăng trừ khi các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC, bao gồm Nga, Mêhicô, cùng cắt giảm sản lượng khai thác với Ả Rập Xê Út. Quốc vương mới và những cố vấn của ông sẽ tập trung vào việc thể hiện sức mạnh và sự tự tin, vì vậy chính phủ quốc gia Trung Đông này sẽ giữ nguyên chính sách về sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan nếu nhận định những tuyên bố của vị vua mới lên ngôi là chính sách và cam kết của chính phủ Ả Rập Xê Út trong dài hạn.