Năm 1931, các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng sụp đổ. Giá dầu thô giảm mạnh do dầu thô Texas của Mỹ (dầu WTI) chỉ được bán với giá 1 nickel/thùng, tương đương giá của một rổ ớt. Ngày 17/08/1931, do lo ngại tình trạng đổ vỡ thị trường nên Thống đốc Ross Sterling đã tuyên bố tình trạng nổi loạn tại 4 bang sản xuất dầu và đưa 1.100 vệ binh quốc gia tới để đóng cửa khai thác và kiểm soát thị trường dầu. Sau 1 tháng thì tình trạng khai thác dầu được kiểm soát và giới hạn một cách chặt chẽ.
Lịch sử lại lập lại một lần nữa khi những gã khổng lồ ngành dầu hiện giờ là Ả Rập Xê Út và những thành viên trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Hiện nay, nước Mỹ tiếp tục làm giảm giá dầu thế giới bằng việc cung cấp hàng triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường.
Tại mức giá 64 USD/thùng thì dầu Brent đã giảm 44% giá trị từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, khác với trường hợp năm 1931, OPEC chẳng thể đưa vệ binh quốc gia đến Mỹ để ngừng khai thác được. Tất cả những gì OPEC có thể làm là để giá dầu tiếp tục giảm và nhìn đế chế dầu mỏ của họ sụp đổ. Điều này được gây ra bởi người Mỹ, những người mà OPEC cho rằng họ đã có thể vượt qua cách đây 40 năm trên thị trường dầu mỏ.
Chuyên gia kinh tế về năng lượng Philip Verleger nhận định rằng OPEC giống như bảng mạch già cỗi của tập đoàn IBM còn dầu đá phiến Mỹ giống như sản phẩm mới nhất của Apple.
Vậy tại sao OPEC không giảm sản lượng khai thác trong cuộc họp ngày 27/11 khi tài nguyên dầu của họ rất rẻ và dồi dào không kém Mỹ?
Lý do đầu tiên là những người Hồi giáo dòng Sunnis tại Ả Rập Xê Út muốn gây tổn thương cho Iran, quốc gia Hồi giáo của dòng Shiites và cần giá dầu cao để có thể đảm bảo tài chính cho chính phủ của họ. Mặt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng toàn bộ tình trạng trên là một âm mưu nhằm vào Nga, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út cũng muốn giảm giá dầu xuống mức khiến các nhà đầu tư Mỹ phải dừng khai thác do không có lợi nhuận.
Tuy nhiên, các công ty khai thác Mỹ đã giảm chi phí khai thác nhiều đến mức họ vẫn có thể có lợi nhuận với 50 USD-70 USD/thùng dầu. Mức giá này vẫn cao hơn chi phí thăm dò và khai thác dầu của OPEC nhưng lại dưới mức chi phí cần thiết để trang trải chi tiêu của chính phủ. Theo Chủ tịch Wilbur Ross của WL Ross, nếu như ông tính toán chính xác thì quyết định của OPEC là quyết định tệ hại nhất trong lịch sử thương mại hàng hóa.
Trên thực tế, giá dầu bị áp lực giảm mạnh không được quyết định bởi OPEC mà bởi các nhà khai thác Mỹ, những công ty chỉ đơn giản là khai thác nhiều hết mức có thể nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Theo chuyên gia Charles Ebinger của Viện Brookings, những động thái này của các công ty khai thác dầu Mỹ nói chung không phải là cá biệt, đặc biệt là trên thị trường thế giới.
Tại Mỹ, mỗi điểm khai thác dầu đều có cấu trúc nhỏ nên họ có thể tăng sản lượng khai thác mà không cần xem xét ép giá dầu xuống. Điều này khiến những công ty khai thác dầu Mỹ trở thành người điều khiển giá chứ không bị giá cả điều khiển.
Theo chuyên gia kinh tế dầu khí Karr Ingham của Amarillo, do các mỏ dầu đá phiến không có trữ lượng cao nên những nhà khai thác không cần quan tâm kế hoạch trong dài hạn. Theo chuyên gia này thì việc tăng trưởng đột biến khai thác dầu không phải là nhân tố tác động chính mà việc khai thác dầu với chi phí thấp đang phá vỡ đế chế dầu mỏ của OPEC. Chuyên gia Ingham nhận định đây là thị trường tự do không có thống trị hay kiểm soát.
Theo giám đốc cấp cao về OPEC Bhushan Bahree của IHS, OPEC đã từng thống trị ngành dầu mỏ. Trong một thời gian ngắn tại thập kỷ 70, ảnh hưởng của OPEC là vô cùng lớn, họ có thể tác động tới từng xu giá dầu. Mặc dù sức ảnh hưởng của OPEC đã suy yếu đáng kể nhưng họ vẫn có thể trông cậy vào Ả Rập Xê Út trong việc giảm sản lượng khai thác, đem lại lợi ích cho các thành viên OPEC khi dư thừa lượng cung.
Theo chuyên gia nghiên cứu trưởng Michael Wittner tại Société Générale, việc Ả Rập Xê Út từ chối cắt giảm sản lượng tháng 11 với lợi ích cá nhân mà không vì lợi ích tổ chức là một quyết định lịch sử. Chuyên gia Wittner nhận định đó là một thay đổi to lớn và bi kịch cho OPEC, đồng thời rất khó để đánh giá những ảnh hưởng từ những thay đổi này.