Thông tin này được phát đi chiều 20/11 từ UBND tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, từ tháng 9, một số kênh truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) liên tục đưa thông tin về việc chè Việt Nam trồng tại những vùng đất bị nhiễm dioxin. Điều này đã khiến người tiêu dùng tại đây lo ngại không dám mua chè. Cùng lúc, nhà chức tránh Đài Loan tiến hành áp dụng biện pháp không cho thông quan. Số lượng chè bị lưu kho tại cảng ở Đài Loan lên tới 70 container.
Chè của doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã được phía Đài Loan thông quan nhưng vẫn chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt. Ảnh: Trịnh Chu. |
Các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chè ở Lâm Đồng, trong đó có hơn 30 doanh nghiệp Đài Loan đã phản ứng mạnh mẽ. Chi hội thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng đã gặp và có văn bản đề nghị tỉnh lên tiếng, đồng thời có những số liệu, văn bản cụ thể để chứng minh cho phía Đài Loan nhằm gỡ bỏ lo ngại của người tiêu dùng từ những nguồn tin sai sự thật. Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh cung cấp số liệu cụ thể để trả lời cho phía Đài Loan, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm sáng tỏ vấn đề; tổ chức họp báo để điều chỉnh thông tin sai lệch của truyền thông Đài Loan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, sản phẩm chè Ô Long cao cấp của tỉnh không chỉ xuất đi thị trường Đài Loan mà còn vào được nhiều thị trường lớn khác là Mỹ, Anh, Nhật, Singapore… nhưng đều không gặp vấn đề gì. Các doanh nghiệp nước ngoài trước khi đầu tư trồng chè tại Lâm Đồng đã có khảo sát rất kỹ về đất, nguồn nước, độ cao… cũng như thuê cơ quan kiểm định độc lập quốc tế trước khi tiến hành đầu tư.
Trong bản đồ nhiễm dioxin của Việt Nam thì Lâm Đồng gần như nằm ngoài vì trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh không phải là chiến trường trọng điểm. Có 2 vị trí bị nhiễm là góc lõm vùng rừng giáp ranh với Bình Thuận và Bình Phước, nhưng đều cách xa vùng quy hoạch nguyên liệu chè cả trăm km và có độ cao thấp hơn vùng nguyên liệu.
Hiện tại, tuy phía Đài Loan đã cho chè Việt Nam thông quan, nhưng những doanh nghiệp xuất khẩu vẫn rất lo lắng. Bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty chè Haiji (100% vốn Đài Loan) cho rằng, tỉnh Lâm Đồng và Chính phủ Việt Nam cần có những động thái cụ thể để thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng Đài Loan. Đặc biệt, rất cần tổ chức một cuộc họp báo tại Đài Loan nhằm cung cấp thông tin cụ thể cho giới truyền thông.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chè ở Lâm Đồng cho rằng, việc một số tờ báo, kênh truyền hình Đài Loan tung tin sai sự thật có dấu hiệu từ việc cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp sản xuất chè nội địa Đài Loan. Giá thành sản phẩm chè Ô Long nhập khẩu từ Việt Nam hiện chỉ bằng ¼ so với chè sản xuất ở Đài Loan, do lợi thế cạnh tranh riêng.