Bản đồ đường ống (đường màu đỏ) và các bể dự trữ khí (chấm đỏ) ở châu Âu.
Napoleon và Hitler, cả hai đều dừng bước trước mùa đông khắc nghiệt của Nga trong tham vọng mở rộng lãnh thổ châu Âu. Ngày nay, Vladimir Putin dường như đang xuất khẩu một ít giá lạnh của Nga như một phần trong chiến lược ứng phó với tham vọng mở rộng của châu Âu về hướng Đông.
Trong những ngày gần đây, Gazprom, một công ty nhà nước của Nga, đã cắt giảm nguồn cung khí cho Ba Lan, Áo và Slovakia mà không đưa ra một lời giải thích rõ ràng nào. Đó dường như là một lời cảnh báo dành cho không chỉ Ukraine, khi mùa đông đang đến gần.
Nga cung cấp 1/3 lượng khí đốt mà các nước châu Âu cần để sưởi ấm các hộ gia đình, sản xuất điện và làm nguyên, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp. Đến nay, các chính phủ Tây Âu và các nhà sử dụng khí công nghiệp vẫn ra vẻ rằng, ngay cả nếu mối quan hệ với Nga trở nên tồi tệ hơn, vẫn có rất ít rủi ro về một sự cắt bỏ hoàn toàn và lâu dài nguồn cung khí của Nga cho phương Tây. Lý do là chính phủ Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu khí.
Tuy nhiên, một sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn trong những tháng tới, khi mùa đông phủ xuống, không phải là không thể hình dung. May thay, phần lớn các nước châu Âu sẽ có thể chống chọi qua mùa đông. Các kho dự trữ khí đốt đang được lấp đầy khoảng 90%, do mùa đông năm ngoái khá ấm áp và các nước này cũng bổ sung thêm được trong mùa hè.
Năm ngoái, châu Âu đã nhập khẩu 115 tỷ mét khối khí từ Nga và nguồn dự trữ hiện tại là 75 tỷ m3. Do đó, các nhà phân phối năng lượng của châu Âu sẽ có vài tháng để tìm kiếm nguồn thay thế.
Na Uy, một nhà sản xuất lớn, có thể cung cấp thêm một chút. Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và việc vận hành trở lại một số nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản sẽ đồng nghĩa với việc nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) sẽ dồi dào hơn trên các thị trường giao ngay, mặc dù giá cao hơn.
Châu Âu có khả năng nhập khẩu hơn 200 tỷ m3 khí hóa lỏng trong một năm, trong đó chỉ 20% đưa vào sử dụng. Các kế hoạch khẩn cấp đang được xây dựng bởi EU cũng được tiết lộ là bao gồm việc cắt giảm khí dùng cho công nghiệp để bảo đảm cung cấp đủ khí cho nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình, cũng như để sản xuất điện.
Một nửa lượng khí nhập khẩu của châu Âu theo đường ống đi qua Ukraine, và Nga đã đóng các đường ống này vài lần kể từ năm 2006 liên quan đến những tranh chấp về giá với Ukraine. Nếu điều đó lặp lại, có thể Nga sẽ cắt giảm lượng khí bơm vào các đường ống chạy vòng qua Ukraine.
Vấn đề là, việc này không chủ nhằm vào các nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, như Hungary, Bulgaria, các quốc gia Baltic và Phần Lan. Chính phủ liên minh của Phần Lan đang có rủi ro sụp đổ do Đảng Xanh đe dọa rút khỏi các kế hoạch mua một lò phản ứng hạt nhân của Nga, điều mà đảng này cho rằng, nó sẽ khiến Phần Lan phụ thuộc hơn vào Nga.
Các nước EU đang tiến hành một số bước chuẩn bị cho tình huống bị cắt nguồn khí trong ngắn hạn, nhưng không có động thái nào được thực hiện để giảm sự phụ thuộc dài hạn vào Nga. Có rất nhiều việc có thể làm, chẳng hạn, các chính phủ có thể khuyến khích xây thêm các đường ống xuyên quốc gia để kết nối các khách hàng với nguồn cung, bao gồm các phần đuôi nhập khẩu khí hóa lỏng chưa được tận dụng… Cho đến nay, tất cả những gì được tạo ra chỉ là một bầu không khí nóng, chẳng ích gì.