Càphê Việt Nam vào quỹ đạo chuyên nghiệp

Những năm gần đây, trong bối cảnh nông sản giảm giá, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, chi phí leo thang nhưng ngành càphê Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu bất ngờ.

Có được kết quả này là nhờ từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu càphê đang từng bước đi dần vào quỹ đạo chuyên nghiệp.

Từ vườn ra... thế giới

Tin vui từ Hiệp hội Càphê - Cacao VN (Vicofa) cho biết, riêng niên vụ 2013 - 2014, VN đã xuất khẩu 1,66 triệu tấn càphê (tăng 17,2% so với niên vụ trước), kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỉ USD (tăng 12,5%). Có được kết quả này, trước hết phải khẳng định chất lượng càphê VN đã được cải thiện đáng kể, khẳng định vị trí mới trên thị trường quốc tế.

Trong tổng lượng càphê xuất khẩu niên vụ 2013 - 2014, tỉ lệ càphê Robusta 2,5% đen vỡ chiếm 34,12%, Robusta 2,3% đen vỡ chiếm 10,34%, Robusta đen vỡ 1,2% chiếm 23,81%, được Cafecontrol đánh giá là tốt hơn nhiều so với các năm trước. Về năng lực chế biến càphê nhân, hiện các nhà máy tại VN đã đạt tổng công suất trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu với chất lượng tốt.

Nhờ vậy từ năm 2010 đến nay, càphê nhân của VN ít bị khách hàng quốc tế phàn nàn, kể cả sàn Liffe London cũng phải thừa nhận. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ doanh nhân VN đã được nâng lên đáng kể, đủ sức nắm bắt thông tin, phân tích thị trường để có những quyết định đúng đắn.

Còn nhớ chỉ vài năm trước, giá càphê trong nước liên tục trồi sụt theo sự thao túng của các nhà đầu cơ, nông dân có lúc phải nhổ bỏ càphê, hàng chục DN xuất khẩu phá sản. Gần hơn là chỉ 5 năm trước, nhiều DN mất vốn, phải ngừng hoạt động do các hợp đồng kỳ hạn giao xa, bán trừ lùi... Hay mới 3 năm trước, "cơn lốc" FDI với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, lão luyện thương trường vào giành giật nguyên liệu cũng khiến không ít nhà xuất khẩu trong nước lao đao.

Nay bên cạnh các DN FDI, danh sách 30 DN xuất khẩu càphê VN lớn nhất đã có nhiều DN của VN như Cty CP tập đoàn Intimex (năm 2014 đứng đầu), TCty Tín Nghĩa - Cty TNHH (đứng thứ hai), Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc... Những kết quả này cho thấy, ngành càphê VN đang đi đúng hướng, bước dần vào quỹ đạo chuyên nghiệp.

Nói chuyện thế giới có vẻ xa. Những ngày áp tết này, các DN xuất khẩu càphê ở Tây Nguyên phải đem vốn trả "nhà băng" vì không mua được hàng, không ít kho bãi được đầu tư quy mô... rỗng không. Nhưng đây lại là tín hiệu đáng mừng, bởi người trồng càphê đã chủ động găm hàng chờ giá, chỉ bán ra vừa đủ chi tiêu và đầu tư cho vụ mới.

Ông Hồ Quang - người trồng càphê ở xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, Đắc Lắc - cho hay: "Mấy năm nay càphê được giá, gia đình tui tích lũy được vốn liếng nên không còn chuyện bán sạch càphê với giá thấp ngay sau khi hoạch nữa". Còn chủ một DN xuất khẩu càphê ở Đắc Lắc nhận định, nông dân bán từ từ thì DN có việc làm quanh năm, càphê nhờ đó cũng không bị ép giá như trước nữa. Câu chuyện nhỏ này cũng cho thấy ngành càphê VN - từ nông dân đến những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu - đang từng bước chuyên nghiệp hóa.

Những việc cần làm ngay

Như bất cứ ngành hàng nào khác, sự phát triển của càphê VN không phải chuyện một sớm một chiều, và muốn bền vững trong tương lai thì cần nhận diện vấn đề và tiến hành giải quyết ngay từ bây giờ. Mặc dù đạt nhiều thành tựu to lớn, song càphê VN vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là nguy cơ giảm sản lượng do diện tích càphê già cỗi tăng nhanh - hiện cả nước có 86.000ha càphê trên 20 năm tuổi, 140.000ha từ 15 - 20 năm tuổi và tăng lên 160.000ha trong 10 năm tới.

Do vậy gấp rút giải quyết các vướng mắc, xây dựng đề án quốc gia tái canh càphê với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự tham gia của các bộ ngành, địa phương là hết sức cần thiết. Quá trình tái canh phải áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích nghi với tác hại của biến đổi khí hậu. Nếu tiến trình này chậm trễ, vị trí xuất khẩu càphê thứ 2 thế giới, riêng càphê robusta đứng đầu thế giới của VN sẽ bị đe dọa.

Đặc biệt trong bối cảnh Brazin đã đạt sản lượng trên 12 triệu bao càphê robusta, Indonesia đã phục hồi lại các vườn cây cũ, Trung Quốc bắt đầu trồng mới khoảng 50.000ha càphê robusta... Về chất lượng càphê, VN cần tiến đến áp dụng tiêu chuẩn quốc gia mới thay thế TCVN 4193: 2005, đồng thời áp dụng quy chuẩn càphê bắt buộc nhằm đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2014, sản lượng càphê xuất khẩu có chứng chỉ đã đạt khoảng 25%, đưa VN thành quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu càphê có chứng chỉ.

Kết quả này cần tiếp tục được phát huy, đặc biệt cần quan tâm đến càphê có chỉ dẫn địa lý, càphê chất lượng cao, càphê có chứng chỉ 4C, Utz hay RA... Bên cạnh đó, dù giữ được ổn định, nhưng nhìn chung giá càphê VN vẫn còn thấp. Khi giá trên sàn giao dịch kỳ hạn tăng thì giá nội địa chỉ tăng khiêm tốn, còn giá kỳ hạn chỉ giảm một chút thì giá nội địa đã rớt thảm hại. Do vậy VN cần tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và kỹ năng bán hàng để có thể bán được giá tốt hơn.

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa, cần nghiên cứu tổ chức lại ngành càphê để khắc phục 3 điểm yếu là sản xuất quá nhiều hộ nhỏ lẻ, kinh doanh quá nhiều DN, xuất khẩu chủ yếu càphê nhân. Trước mắt chúng ta cần ổn định diện tích càphê khoảng 570.000ha, nâng cao năng suất để giữ sản lượng 1,3 - 1,4 triệu tấn năm, trong đó xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm, tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị, thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển càphê bền vững do Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh có diện tích càphê lớn đã ban hành.