Cao su rớt giá, cả làng ăn Tết chung

Tiếp đà lao dốc của năm 2014 mủ cao su xuống giá từng ngày, các doanh nghiệp quốc doanh trồng cao su ngấp nghé bờ vực thua lỗ, công nhân không có thu nhập, cả làng ăn Tết chung.

Ồ ạt xin nghỉ việc

Mồng 6 Tết Ất Mùi, trong ngày đầu cả nước ra quân làm việc, các xã Glar, A Dơk, Ia Băng, Trang, Ia Pếch… thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thủ phủ cây cao su trên Tây Nguyên vắng lặng lạ thường. Không phải vì những vườn cao su đã trơ trụi mùa thay lá, không phải người dân lên nương làm rẫy, mà bởi 2 loại cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây sắn và cao su, năm qua giá rớt thê thảm, tác động đời sống bà con.

Nhà già Thơm, già làng Kồ, xã Trang trông khá bề thế, nhưng tài sản hầu như không có gì. Già Thơm chia sẻ: "Năm nay, cả làng tập trung ăn Tết ở nhà sinh hoạt cộng đồng, kinh phí do huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, Cty Cao su Mang Yang hỗ trợ 1,4 triệu nữa, hơn 500 nhân khẩu của 110 hộ trong làng ăn tết chung".

Con trai già làng là anh Ăm (SN 1984), làm công nhân cho Cty Cao su Mang Yang từ năm 2006, từng là niềm tự hào và đem lại thu nhập chính cho gia đình, Ăm vừa làm đơn xin nghỉ việc, vì không còn thu nhập. Đối với công nhân cạo mủ cao su như anh Ăm, mọi năm đến Tết trông chờ tiền thưởng, năm nay do Cty Cao su Mang Yang thua lỗ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đưa Cty vào diện phải "quan tâm đặc biệt"; công nhân được chia đều mỗi người 1,5 triệu đồng tiền thưởng Tết. Những tháng trước và sau Tết, nghỉ cạo mủ cây cao su, đồng nghĩa việc người lao động không có thu nhập.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tháng 12/2014, tại Cty TNHH MTV Cao su Mang Yang, riêng năm 2014, Cty này có đến 695 trong tổng số 2.404 công nhân xin nghỉ việc. Giám đốc Cty, ông Lê Đình Bửu, cho biết, đến đầu năm 2015, đà xin nghỉ việc của công nhân vẫn không giảm. Lý do chính là giá mủ cao su xuống thấp so với những năm trước, dẫn đến tiền lương, thu nhập thấp; người lao động tự nguyện nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc để làm việc khác có thu nhập cao hơn. Trong số xin thôi việc có 250 công nhân là người dân tộc thiểu số.

Mất giá do cung vượt cầu

Từ năm 2007 đến năm 2011, giá mủ cao su liên tục tăng, đỉnh điểm có lúc lên đến 110 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp trồng cao su đua nhau mở rộng diện tích, đầu tư ngoài ngành. Nhưng từ năm 2012 đến nay, mủ cao su liên tục giảm giá. Ngày 25/2, giá mủ cao su loại SVR10 tại Gia Lai chỉ còn 23,3 triệu đồng/tấn, loại mủ cao su cao cấp RSS3 giá 29,1 triệu đồng/tấn, giảm tiếp so với hôm trước. Giá trị xuất khẩu mủ cao su của cả nước năm 2014 chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 27,7% so với năm 2013, dù sản lượng mủ tăng. Giá mủ cao su đang thấp hơn giá thành bình quân khoảng 10 triệu đồng/ tấn.

Theo đánh giá của Bộ NN& PTNT, nguyên nhân giá mủ cao su xuống thấp là do dư thừa cao su toàn cầu. Hiện nay, diện tích cây cao su ở Việt Nam là hơn 950.000 ha (cao so với 800.000 ha định hướng quy hoạch diện tích trồng cao su đến năm 2015 của Chính phủ). Campuchia, Lào những năm qua trồng mới hàng trăm ngàn héc-ta cao su. Chúng đang bước vào thời kỳ thu hoạch, trong đó không ít diện tích là do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.

Trong 4 doanh nghiệp trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ở Gia Lai, Cty nào cũng có hàng trăm công nhân xin thôi việc. Mang Yang đầu bảng với 695 lao động, tiếp đến là Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê với 401 trong số 2.212 công nhân, Cty TNHH MTV Cao su Chư Pah 168 người. Tỷ lệ xin nghỉ thấp nhất là ở Cty TNHH MTV Cao su Chư Prông 95 người.