Trên thực tế, nhiều người dân, vì khó khăn trước mắt, đã không ngần ngại "nhổ tận gốc, trốc tận rễ" - đúng theo nghĩa đen - những hàng cây thốt nốt vốn được xem là "người bạn thân thiết" gắn bó, vui buồn cùng gia đình hàng chục năm để đổi lấy những đồng tiền rẻ mạt…
Những ngày này, tại các xã Tân Lợi, An Cư, Văn Giáo thuộc huyện Tịnh Biên - nơi được mệnh danh là "thánh địa thốt nốt", nhiều người đang hí húi rào lại những mảnh vườn còn trơ toàn những hố đất sâu hoắm. Trước đó, họ đã đào bới xung quanh gốc những cây thốt nốt, bứng cả gốc đem bán cho thương lái.
Theo nhiều người dân trên địa bàn, thời gian qua, những người "săn" thốt nốt đã sục sạo khắp các xóm, ấp để chèo kéo, đặt mua. Những cây thốt nốt có tuổi càng cao càng có giá. Do được trả giá khá hời nên nhiều hộ đã huy động nhân lực bứng cả những cây trồng được trên 20 năm - đang trong kỳ cho nước, trái (để làm đường) "sung" nhất - đem ra quốc lộ bán cho những nhóm người thu mua đợi sẵn.
Theo một thành viên trong nhóm chuyên gom cây thốt nốt, "đóng đô" tại xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), hiện nay bên Trung Quốc, nhiều "đại gia" đang ráo riết tìm mua thốt nốt làm cây cảnh.
Thay vì phải trồng cây nhỏ, mất hàng chục năm mới lớn, họ "đi tắt" bằng cách tìm mua cây đã có nhiều năm tuổi về trồng. Trả lời thắc mắc là vận chuyển qua quãng đường gần 2.000 cây số, liệu thốt nốt có thể sống khi sang tới Trung Quốc, người đàn ông này giải thích: Thốt nốt là loại cây giữ nước và chất dinh dưỡng rất tốt. Dù bị bứng khỏi mặt đất và cắt trụi rễ, nhưng hàng chục ngày sau đem trồng lại vẫn sống như thường.
Một cây thốt nốt cỡ 20 tuổi mua tại Tịnh Biên hiện có giá trên dưới 500.000 đồng, sau khi vận chuyển ra tỉnh lộ 948 thuộc địa bàn xã Thới Sơn để chất lên những chiếc xe đầu kéo đã có giá trên 2 triệu đồng/cây.
Còn theo ông Chau Danh - nhà ở gần UBND xã An Cư, hàng xóm của một hộ dân tộc Khmer vừa "chia tay" 5 cây thốt nốt trong vườn nhà để bán cho thương lái - thì, đồng bào vẫn biết việc đào tận gốc, trốc tận rễ loại cây này là "lợi bất cập hại", bởi thốt nốt phải trồng 18-20 năm mới có thể khai thác.
"Trước đây, trái thốt nốt bỏ đi, nay mỗi trái tươi bán cũng bán được được vài ngàn đồng. Nhưng nguồn lợi từ đường thốt nốt mới là điều đáng nói. Cứ mươi lít nước thốt nốt có thể cô được 1 kg đường ăn vừa ngon vừa mát. Người ta gọi thốt nốt là cây xoá đói giảm nghèo là vì thế.
Vậy mà, những cây thốt nốt đã trồng mấy chục năm, giờ người ta đào lên bán được có 500.000 đồng/cây, bán 10 cây cũng được có 5 triệu đồng, tiêu vèo cái là hết. Nghĩ thật xót xa…", ông Châu Vươn - một người dân trên địa bàn xã An Cư - tâm sự.
Nói rồi, ông Chau Vươn tỏ vẻ chua xót: Một năm, tiền thu từ lá (để lợp nhà, làm nón), trái, nước (để làm đường) từ một cây thốt nốt cũng phải đạt hơn 500.000 đồng. Đó là chưa nói đến chuyện cây thốt nốt góp phần tạo nên cảnh quan du lịch đặc trưng của vùng Bảy Núi. Nếu chính quyền không can thiệp kịp thời, vài năm nữa, hai vùng đất Tịnh Biên và Tri Tôn vắng bóng cây thốt nốt thì không còn ai được ngắm những dãy thốt nốt ngạo nghễ vươn mình trong nắng gió miền Tây.
Một xe tải siêu trường, siêu trọng chở thốt nốt chuẩn bị xuất phát ra phía Bắc. |
Được biết, hai huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên hiện có khoảng 60.000 cây thốt nốt đang cho thu hoạch trái và nước để làm đường với sản lượng hơn 5.000 tấn/năm, tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân.
Rõ ràng, việc nhiều nhóm thu mua tới địa bàn thuyết phục người dân đào thốt nốt bán để xuất sang Trung Quốc là hiện tượng bất thường. Tình trạng này, về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng vì thấy có người mua, do cái lợi trước mắt, người dân sẽ đua nhau đào thốt nốt lên để bán.
Đặt vấn đề - nhiều hộ dân trên địa bàn hồn nhiên đào cây thốt nốt đem bán một cách công khai giữa ban ngày mà không hề bị bất cứ cơ quan chức năng nào hỏi tới - với một số cán bộ có trách nhiệm thuộc UBND hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thì được biết, hiện nay, lực lượng kiểm lâm chưa thể áp dụng chế tài để xử lý việc này vì thốt nốt không nằm trong danh mục cây thực vật cấm buôn bán.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nhận thức rõ hiện tượng đồng bào Khmer đào thốt nốt bán cho thương lái có tác hại khôn lường vì nó là loại cây đặc trưng, chủ lực của ngành tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Thời gian qua, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai biện pháp tuyên truyền định hướng, để đề phòng những rủi ro, tránh thiệt hại cho người dân.
Theo ông Hồ Văn Đức - Phó chủ tịch UBND xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), một việc cần làm ngay là ngành kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cần đưa cây thốt nốt vào danh mục cấm mua bán để bảo vệ loài cây tạo nên thương hiệu của vùng Bảy Núi, đồng thời, tổ chức ngăn chặn nạn triệt hạ cây thốt nốt. Nếu không làm được như vậy, không những gây lãng phí về trước mắt mà thiệt hại kinh tế về lâu về dài đối với hàng ngàn cây thốt nốt sẽ là rất lớn.
"Vấn đề quan trọng không kém là phải có biện pháp nghiêm cấm những người thu mua cây thốt nốt trên địa bàn. Vì triệt người mua ắt sẽ hạn chế người bán. Còn ai mua, mua với mục đích gì, các cơ quan có trách nhiệm cứ vào cuộc sát sao ắt sẽ rõ...", ông Trần Văn Út -một người dân ở xã Văn Giáo - bày tỏ chính kiến.