Cần có biện pháp phòng vệ cho thép Việt

Từ tháng 5/2014 đến nay, lượng thép tiêu thụ tăng không nhiều nên các DN vẫn tiếp tục tiết giảm sản xuất, tránh tỷ lệ tồn kho cao.

Những ngày qua, dư luận xã hội nóng lên trước những thông tin lo ngại ngành thép Việt sẽ gặp khó khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và các đối tác được ký kết, cụ thể là việc ký kết giữa Việt Nam và liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan (VCUFTA). Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép DANA -Ý nói về sự chuẩn bị của DN theo lộ trình hội nhập mà Việt Nam đã cam kết….

Ông Huỳnh Văn Tân

Gần đây có thông tin khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và các đối tác được ký kết sẽ gây khó cho ngành sản xuất thép trong nước, thậm chí có khả năng phá sản. Với một nhà sản xuất thép xây dựng lâu năm, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trước hết, phải nói rằng tình hình sản xuất thép của các DN trong nước gặp khá nhiều khó khăn trong những năm vừa qua khi phải đối mặt với sự "đóng băng" của thị trường bất động sản. Đồng thời, thị trường tiêu thụ trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ từ một lượng lớn sắt thép nhập khẩu với giá thành rẻ so với sắt thép sản xuất trong nước…

Đây cũng là yếu tố khiến DN trong nước đối mặt với những thách thức, đòi DN phải tự nâng cao năng lực sản xuất để tăng tính cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu... Theo tôi, số liệu của Bộ Công Thương công bố về sản lượng sản xuất thép trong 8 tháng năm 2014 chứng minh khá rõ về vấn đề này.

Thực tế, trong khi sản lượng tiêu thụ thép của các nhà máy trong nước ở mức khá thấp, thì lượng nhập khẩu luôn tăng qua các tháng. Chứng tỏ, các DN trong nước mặc dù rất nỗ lực nhưng vẫn khó cạnh tranh với thép nhập khẩu. Cùng với đó, sản lượng sản xuất trong nước thấp cũng do một phần sức mua thị trường yếu nên chỉ tập trung vào những công trình đang dở dang, chưa có công trình mới vì thị trường BĐS chưa phục hồi.

Bên cạnh đó, sản xuất trong nước tiếp tục phải cạnh tranh với thép Trung Quốc. Đặc biệt,từ tháng 5/2014 đến nay, lượng thép tiêu thụ tăng không nhiều nên các DN vẫn tiếp tục tiết giảm sản xuất, tránh tỷ lệ tồn kho cao.o đó, trong bối cảnh hiện nay, sự kiện này sẽ ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất của ngành thép trong nước.

Nói như vậy, chắc chắn các DN sản xuất kinh doanh thép sẽ tiếp tục khó khăn như một số thông tin gần đây?

Khó khăn thì có thể các DN sản xuất kinh doanh thép đều nhận thấy điều này, song nói như thế không có nghĩa là DN ngành thép trong nước sẽ phá sản. Điều quan trọng, vì tương lai sống còn và sản xuất kinh doanh phải có lãi đáp ứng sự kỳ vọng của cổ đông cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động thì đều phụ thuộc vào chiến lược sản xuất kinh doanh của từng DN.

"Nước lên thuyền lên", do đó DN có chiến lược kinh doanh tốt sẽ đứng vững trước sóng gió của thị trường. Bởi hội nhập là xu hướng chắc chắn không thể đảo ngược vì Việt Nam đã cam kết thực hiện theo lộ trình đã đề ra. Vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Do đó, DN phải chủ động chuẩn bị cho mình một lộ trình và chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, phù hợp với sự thay đổi của thị trường khi hội nhập…

Vậy DANA-Ý đã chuẩn bị những gì cho tiến trình hội nhập, thưa ông?

Trong 3 năm qua, Dana - Ý chủ động đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, nhằm đưa giá thành sản phẩm về giới hạn thấp nhất để nâng cao tính cạnh tranh. Với chiến lược đó, Dana - Ý đầu tư dây chuyền cán và luyện, có tổng công suất 400 nghìn tấn/năm trị giá hơn 800 tỷ đồng. Hiện tại DN đã đưa vào vận hành giai đoạn 2 thiết bị dây chuyền luyện cán thép mới, công suất 250 ngàn tấn/năm.

Đặc biệt, dây chuyền mới này tiết giảm được 1/3 tiêu hao năng lượng điện. Dana - Ý ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để phát triển, đáp ứng đầy đủ các chủng loại thép cho thị trường với chất lượng cao nhất, đồng thời giúp DN có thể thích ứng được với những thay đổi của thị trường khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu. Nhờ đó, DN đã hoàn thành 60% kế hoạch năm 2014, tương đương với doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng.

Để có được những thành công đó, thời gian qua Dana - Ý nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía NH với mức lãi suất cho vay hợp lý, từ đó giúp DN yên tâm sản xuất kinh doanh và chủ động được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, để ngành thép Việt Nam phát triển, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm và có cơ chế xem xét xây dựng phương án phù hợp của Việt Nam về các mức thuế suất nhập khẩu của mặt hàng thép trong Hiệp định VCUTFA trên cơ sở hài hòa với mức thuế và lộ trình cam kết với WTO của Việt Nam. Đồng thời, đưa mặt hàng thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ quyền vi lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước…