Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Công nghệ chế biến giá trị gia tăng cho ngành cá tra" tổ chức hôm nay (16-10) tại Cần Thơ.
"Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng", ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo.
Thống kê sơ bộ của một số đơn vị trực thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy các sản phẩm chế biến từ cá tra hiện còn khá đơn điệu, có đến khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng fillet đông lạnh, khoảng 10% là sản phẩm tạo được giá trị gia tăng nhưng cũng chỉ với hình thức khác hơn một chút so với cá fillet.
Ông Dũng của VN Pangasius giải thích nguyên nhân của thực trạng trên là do trình độ chế biến của các doanh nghiệp còn thấp, trong khi sản phẩm cá fillet dễ bán và có thể bán cùng lúc với khối lượng lớn.
Ngoài ra chính vì năng lực quản lý điều hành còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp dè chừng trong việc đầu tư sản xuất các sản phẩm cá tra có giá trị cao. "Một nhà máy chế biến sâu như vậy có thể có hàng trăm loại sản phẩm, hàng trăm loại bao bì khác nhau nên việc quản lý cũng sẽ khác, nó không còn đơn giản như sản xuất sản phẩm fillet nữa", ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, do có sự cạnh tranh khốc liệt của những sản phẩm cá tra sơ chế thông thường nên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng giảm, thậm chí xuất hiện tình trạng thua lỗ ở nhiều doanh nghiệp. " Thời điểm này là giai đoạn hợp lý để đầu tư vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và ai đi trước, có khả năng tiếp cận trước thì sẽ giành được cơ hội lớn", ông nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, một số đại biểu cho biết thời gian qua có không ít doanh nghiệp sản xuất cá tra fillet đông lạnh gặp khó khăn do biến động giá, trong khi đó tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp có sản phẩm chế biến sâu lại ổn định.
Ông Jörg Rosenberger, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nienstedt (Đức), cho biết cá tra Việt Nam được tiêu thụ khá tốt ở thị trường châu Âu và đây cũng là một trong những loại cá có giá bán cao nhất ở thị trường này. Theo ông Jörg Rosenberger, gần đây người tiêu dùng châu Âu đã có sự dịch chuyển sang tiêu thụ các loại sản phẩm chế biến sẵn, có thể sử dụng được ngay.