Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), trong tháng 10-2014, hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng cục sức khỏe và người tiêu dùng, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã có 11 lô hàng cá tra bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng Nitrofurazone (dẫn xuất của Nitrofuran).
Còn tại thị trường Hàn Quốc, Cơ quan quản lý chất ượng thủy sản Hàn Quốc (NFQS) cũng kiểm tra tăng cường các chỉ tiêu trong nhóm Nitrofuran đối với các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Thời gian thực hiện kiểm tra là từ ngày 5-11 đến hết ngày 31-12-2014 ( tính theo ngày lô hàng nhập khẩu) với tần suất kiểm tra là 3% đối với tổng số lô hàng của từng nhà nhập khẩu.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam bị vướng vào chất kháng sinh cấm.
Những năm trước chỉ có mặt hàng tôm đông mới bị các thị trường nhập khẩu như Nhật Bản cảnh báo về dư lượng kháng sinh cấm như Trifluraline, Oxytertracyclinevà thậm chí có thời điểm phía Nhật Bản nâng mức kiểm tra những chất này đối với 100% lô hàng tôm xuất khẩu từ Việt Nam.
Vì thế, Nafiqad yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cá tra phải giám sát, kiểm tra các hộ nuôi cá, đại lý cá tra nguyên liệu, yêu cầu họ tuân thủ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN -PTNT). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần rà soát, bổ sung vào kế hoạch HACCP việc nhận diện và kiểm soát chặt chẽ mối nguy hóa chất, kháng sinh trong sản xuất cá tra, đặc biệt là kháng sinh Nitrofiran và Chloramphenicol.
Cũng liên quan đến các loại kháng sinh, Nafiqad đã ngừng việc thẩm tra, kiểm tra bắt buộc đối với các chỉ tiêu Triphosphates đối với chả cá, surimi, Polyphosphates đối với cá tra, basa philê, tôm đông lạnh. Còn đối với Trifluraline trong thủy sản nuôi xuất khẩu xuống mức 01/20 lô.