Ngân hàng Nhà nước đã dành khoảng 12.000 tỷ đồng cho tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa |
Làm sao để một quốc gia đứng đầu thế giới về cà phê robusta có được thương hiệu của riêng mình vẫn đang là một câu hỏi khó trả lời của ngành cà phê Việt Nam.
Khẩn trương tái canh để giữ vị thế
Theo Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 30% diện tích cà phê của Việt Nam cần tái canh. Nếu không trong những năm tới cà phê Việt Nam khó giữ được vị thế là nước có sản lượng cà phê robusta đứng đầu thế giới như hiện nay.
Do đó, vấn đề tái canh cà phê đang là câu chuyện nóng ở các tỉnh Tây Nguyên. Nếu việc tái canh không sớm thì vài năm tới Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của Colombia - quốc gia xem nhẹ việc tái canh cà phê nên sau đó sản lượng cà phê giảm mạnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng việc phải có một diện tích cà phê già cỗi cần tái canh cũng là một cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng cà phê qua việc sản xuất theo các chứng chỉ bền vững.
"Năng suất cà phê của Việt Nam ở mức bình quân là 2,3-2,5 tấn/ha, cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Tức là lợi thế so sánh của ngành cà phê Việt Nam là chi phí đầu vào thấp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đã có bộ giống cà phê có thể cho năng suất lên đến 6 tấn/ha nên nếu tái canh và trồng bằng bộ giống này thì chất lượng, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ tăng lên những năm tới", ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết.
Để thực hiện tái canh cà phê, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dành ra 12.000 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện tái canh cà phê trong những năm tới.
Nền nhà đã có…
Theo các chuyên gia trong ngành, để cà phê của Việt Nam có thương hiệu bắt buộc người sản xuất cà phê phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, môi trường, xã hội, gọi nôm na là phải có những chứng chỉ đi kèm. Vì thế, trong những năm qua, Việt Nam đã cố gắng xây dựng nhiều chứng chỉ cho cà phê như tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest …
Trong kế hoạch phát triển ngành cà phê, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2015, cả nước phải có 20% diện tích cà phê được chứng nhận các chứng chỉ nói trên.
Tuy nhiên, đến hết năm 2014, ngành cà phê đã làm được và vượt con số đặt ra khi có tới 50% diện tích cà phê đã được cấp các chứng nhận tiêu chuẩn, trong đó chứng nhận UTZ đạt 197.000 ha, chứng nhận 4C là 60.000 ha, Rainforest là 40.000 ha.
Việc cà phê có những chứng nhận này, sẽ giúp cho các công ty có thể truy xuất nguồn gốc sản xuất. Đây chính là một trong những điều kiện bắt buộc đối với bất kể sản phẩm nào muốn xây dựng thương hiệu mạnh.
Xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt phụ thuộc không nhỏ vào DN. Ảnh minh họa |
...Nhà có được xây cao?
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khi nhắc đến cà phê, ai cũng biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, song nếu đi nước ngoài không tìm đâu ra được một thương hiệu cà phê của Việt Nam đúng nghĩa.
Lý do là cà phê Việt Nam hiện chủ yếu chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, họ chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng với giá gấp nhiều lần giá mua vào. Đây là một điều bất hợp lý nhưng dễ hiểu vì cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu.
Vì vậy, ai cũng hiểu rằng muốn ngành cà phê phát triển, đem về giá trị xuất khẩu lớn gấp nhiều lần, không còn cách nào khác, người làm cà phê của Việt Nam phải tìm cách xây dựng thương hiệu riêng, qua đó mới nâng cao được giá trị gia tăng.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, khi các tỉnh Tây Nguyên và các Bộ, ngành họp bàn về việc tổ chức lễ hội cà phê đã tranh luận rất nhiều về việc có nên lấy tên là Lễ hội cà phê Việt Nam và giao cho 5 tỉnh ở Tây Nguyên lần lượt đăng cai. Cuối cùng các bên thống nhất lấy tên Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và tổ chức định kỳ hai năn một lần vì Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của Việt Nam là cũng là nơi có chất lượng cà phê ngon nhất.
Cũng vì muốn tạo thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột mà Hiệp hội cà phê Đắk Lắk đã đăng ký xong chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột với hy vọng giúp ngành cà phê tiến thêm một bước trên con đường xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những điều kiện cần, ngôi nhà thương hiệu cho cà phê Việt Nam có xây dựng thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào sự nỗ lực của chính các DN.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, sản lượng cà phê đã xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,73 triệu tấn, thu về 3,62 tỷ USD, tăng hơn 33% về khối lượng và hơn 32% về giá trị so năm 2013. |