Nhìn vào những con số để đánh giá thành quả của ngành cà phê nước ta trong niên vụ vừa qua, đằng sau những số liệu khô khan là nỗ lực rất lớn của cộng đồng sản xuất kinh doanh trong nước mà ít người để ý.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây ước tính xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014 của nước ta khoảng 1.641.700 tấn, đạt kim ngạch 2,84 tỉ đô la Mỹ, tăng so với niên vụ 2012-2013 là 1.423.300 tấn với 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Nhớ lại niên vụ 2011-2012, giá cà phê nội địa có lúc đã lên mức kỷ lục trên 50 triệu đồng/tấn. Đấy là một năm kinh doanh đầy hãnh diện của ngành cà phê nhờ vừa được mùa lại được giá. Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization - ICO) báo rằng năm ấy, xuất khẩu cà phê của cả thế giới đạt 110,6 triệu bao (60 ki lô gam/bao), trong đó Việt Nam góp 23,5 triệu bao, chiếm trên 21%.
Thế nhưng, thị phần của Việt Nam giảm nhanh trong niên vụ tiếp theo, chỉ còn 17,8%, cũng theo đánh giá của ICO, dù xuất khẩu cà phê toàn cầu bấy giờ tăng lên 111,34 triệu bao. Có thể giải thích cho sự sụt giảm thị phần xuất khẩu cà phê trong giai đoạn này gói gọn như sau: giá trên sàn kỳ hạn giảm mạnh, có khi mất cả 1.000 đô la/tấn so với đỉnh của niên vụ cũ vào tháng 3-2011 là 2.672 đô la/tấn, hệ quả là giá bình quân trên thị trường nội địa giảm chỉ còn 40,4 triệu đồng/tấn so với đỉnh cao nhất trong kỳ là 44-45 triệu đồng/tấn. Cộng hưởng với giá thấp, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) làm nhiều nhà xuất khẩu cụt vốn, nhiều doanh nghiệp ma lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để mua bán lòng vòng nâng giá nội địa, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, lãi suất ngân hàng cao... đã chặn dòng chảy tự nhiên của cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2012-2013 một cách đáng trách.
Thống kê mới nhất của ICO cho biết xuất khẩu cà phê thế giới trong 12 tháng tính đến hết tháng 8-2014 đạt 109,49 triệu bao, trong đó nước ta đạt 21,15 triệu bao, chiếm thị phần 19,3%. Tuy thị phần tăng chỉ 1,5% nhưng là một nỗ lực đáng trân trọng. Thực ra, niên vụ 2013-2014 vừa qua chưa được mươi ngày, khó khăn vẫn chất chồng dù Nhà nước đã cố gắng tháo gỡ nhiều khúc mắc để khơi thông dòng xuất khẩu.
"Tránh chưa hết vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", nhiều nhà xuất khẩu trao đổi với nhau như thế mỗi lần gặp mặt, vì họ còn chưa kịp hoàn hồn với thuế thì nay đến "dạ thưa các loại phí", họ nói. Cước tàu biển và vô số loại phí liên quan đến làm hàng, thuê container, đặt chỗ, nhận vận đơn... đè lên vai nhà xuất khẩu. Cước phí vận tải nội địa tăng gấp ba lần sau khi Bộ Giao thông Vận tải siết chặt tải trọng xe chở hàng từ các vùng nguyên liệu về cảng... Nhưng cuối cùng, thực tế là nông dân phải gánh.
Nội công nhiều, ngoại kích cũng lắm. Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, thời gian gần đây phá giá đồng real, tạo lực bán ra mạnh và có lúc đánh giạt lượng xuất khẩu cà phê của nước ta xuống dưới 100.000 tấn/tháng trong nhiều tháng liền ở giai đoạn cuối vụ.
Giá đỉnh và giá bình quân của niên vụ vừa qua chắc chắn không bằng hai năm kinh doanh trước đó. Giá đỉnh hạ thấp hơn, chỉ còn chừng 41-42 triệu đồng/tấn và bình quân giá nội địa trong cả niên vụ vừa qua chỉ chừng 38-39 triệu đồng/tháng. Phải chăng đó là cái giá phải trả để giành lại thị phần xuất khẩu đã vuột mất?
Nói như vậy không có nghĩa là hạt cà phê của ta bị bán phá giá vì theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê xuất khẩu bình quân của nước ta trong bảy tháng đầu năm 2014 là 2.057 đô la/tấn, cao hơn giá giao dịch bình quân cùng kỳ của sàn kỳ hạn robusta Liffe tại London 76 đô la/tấn (ở mức 1.981 đô la/tấn, theo ICO).
Giá cà phê xuất khẩu của một nước sản xuất cao hơn giá niêm yết của sàn kỳ hạn, nghe lạ tai và đó không chỉ là vinh dự, mà còn nói lên năng lực sản xuất hàng cà phê của Việt Nam nay có chất lượng tốt hơn, doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp và uy tín hơn...Đó cũng chính là cơ sở để giữ vững và phát triển thị phần xuất khẩu các niên vụ sau. |