“Trắng tay rồi”
Suốt cả tuần nay, các hộ dân nuôi cá ở làng bè trên sông Cái ăn ngủ không yên khi cá chán ăn, nổi đầu đớp không khí và… chết hàng loạt. Dù dân đã dùng các loại máy tạo, sục oxy chạy suốt ngày đêm để cung cấp thêm nguồn dưỡng khí nhưng cá vẫn chết. Anh Vũ Văn Quyết, một trong số hộ nuôi cá nhiều ở làng bè cho biết, đỉnh điểm của cá chết xảy ra vào 20 giờ đêm 3/1. “Lúc ấy cả làng bè nhốn nháo khi cá ở các bè đồng loạt chết”, ông Quyết nói.
Hàng vạn con cá trắm dòn giống chết trắng bè của ông Điền.
Cho đến 4 giờ sáng qua, 4/1, cả làng bè gần như buông xuôi khi không thể nào cứu vãn được cá nữa. Ghi nhận của phóng viên, các loại cá trắm, diêu hồng, chép, cá lăng... bình thường giá bán phải từ 30- 80 ngàn đồng/kg, nhưng người nuôi chỉ còn bán được 5-10 ngàn đồng/kg. Dù bán giá rẻ như cho nhưng thương lái cũng không thể mua nhiều hơn nữa khi lượng cá đã dội chợ.
Suốt đêm dầm mình cứu cá, vớt cá, cả 5 người trong gia đình anh Vũ Văn Quyết đã đuối sức, người nằm, kẻ ngồi thờ thẫn trên sàn bè không ai còn nói với ai lời nào. Bè cá của gia đình 500m2 nuôi cá trắm, cá chép, cá lăng, có lứa đã hơn 2 năm, dự tính vào mùa tết gia đình sẽ xuất bán cho thương lái với giá 80.000 đồng/kg nhưng nay coi như trắng tay. Tại bè nhà anh Quyết, hàng tấn cá trắm nằm lăn lóc, ngổn ngang trên sàn và một lượng lớn cá đã chết còn nằm dưới bè. Anh Quyết cho biết, mấy ngày qua cá của anh đã chết khoảng 10 tấn không bán được cho ai.
Ngồi bên đống cá chết đã được vớt lên, bán không ai mua, bà Bùi Thị Ngàn (chủ bè cá số 19) chỉ còn biết khóc ròng và luôn miệng kêu than: “Trắng tay rồi!”. Bè của bà Ngàn nuôi cá chép, cá kiểng nhưng sau một đêm cả chục tấn cá đã chết sạch.
Nằm thẫn thờ ở góc bè, ông Mạc Quang Điền chủ bè cá trắm giòn, nói: “Vợ tôi mà thấy cảnh này thì không biết làm sao nữa”. Có nghề nuôi cá trắm giòn ở tỉnh Hải Dương, ông Điền chuyển hướng vào Đồng Nai nuôi loài cá đặc sản này để cung cấp hàng tươi sống cho thị trường phía Nam. Hàng tỷ đồng được ông Điền đầu tư vào mua bè, nhập khẩu cá giống, thức ăn. Đợt cá đầu tiên đạt trọng lượng 3-4kg đang được xuất bán cho các đầu mối với giá gần 200 ngàn đồng/kg. Còn hàng vạn con cá giống với giá 5.000đồng/con vừa được nhập về thả bè, chỉ trong một đêm hàng tấn cá thịt và cá giống đã chết nổi trắng bè.
Bà Ngàn bất lực trước hàng chục tấn cá của mình chết sạch.
Nghi nguồn nước ô nhiễm
Gần như đến hẹn, cứ vào tháng cuối năm là người dân làng cá bè lại lo lắng cá chết. Dù đã phòng ngừa tối đa nhưng tình trạng cá chết bất thường vẫn xảy ra. Khi được hỏi về nguyên nhân tình trạng cá chết bất thường, tất cả người dân nuôi cá cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy xả thải.
Theo các hộ dân nuôi cá, trước đó để tránh tình trạng ô nhiễm và đảm bảo mỹ quan đô thị, chính quyền thành phố Biên Hòa đã cho di dời, sắp xếp lại làng bè về vị trí quy hoạch phù hợp hơn. Nhưng vừa ổn định nơi mới xong thì đại họa lại xảy ra. Ông Vũ Đình Doanh, một người nuôi cá bè ở đây cho rằng: “Người dân chúng tôi kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá nên biết nuôi như thế nào để bảo vệ tài sản của mình. Chỉ có nguồn nước bị ô nhiễm bất thường mới xảy ra tình trạng này”.
Trước tình trạng cá bè chết hàng loạt, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thành phố Biên Hòa đã đi khảo sát, lấy mẫu nước để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân. Một cán bộ thú y của thành phố Biên Hòa khẳng định, việc cá chết như thế này không phải là dịch bệnh. Còn về kỹ thuật nuôi, người nuôi cá ở đây có thừa kinh nghiệm.
Về khả năng có phải nguồn nước xả thải của các nhà máy (KCN Biên Hòa 1 cách khu vực nuôi cá khoảng 3km), kỹ sư Nguyễn Thị Kiều Diễm cho rằng, qua nhiều vụ cá bè chết đồng loạt từ nhiều năm qua ở khu vực làng bè, chỉ có một lần nguyên nhân cá chết được xác định là do nước thải của nhà máy giấy Tân Mai.
Kỹ sư Nguyễn Thị Kiều Diễm, trưởng phòng Quản lý nuôi trồng và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đồng Nai cho biết, test nhanh mẫu nước cho thấy khu vực nuôi cá của người dân có chỉ số DO (oxy) thấp hơn bình thường. Theo bà Diễm, nguyên nhân có thể do mật độ cá nuôi cao, số lượng bè nhiều trên mặt nước làm cản dòng chảy, thời tiết đang vào thời giao mùa nhiệt độ ngày và đêm lớn; người dân sinh hoạt trên bè cũng ảnh hưởng môi trường nước. |