Bước ngoặt của TPP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đạt một số bước tiến quan trọng trên bàn đàm phán để giải quyết các bất đồng, đặc biệt là ở Mỹ và Nhật - hai nền kinh tế lớn nhất trong khối và có ảnh hưởng quyết định đến khả năng thành công của TPP.

Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật), hai quốc gia này đã có những nhượng bộ đáng chú ý trên bàn đàm phán để có thể trình lên Hội nghị cấp bộ trưởng thành viên TPP vào tháng 3 tới. Theo đó, Mỹ dự định sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với xe hơi nhập từ Nhật với thời gian áp dụng hơn 10 năm.

Đây là sự nhượng bộ đáng kể của Mỹ, nhất là khi các sản phẩm xe hơi của Nhật, bao gồm cả xe khách lẫn xe tải, hiện chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu từ Nhật vào Mỹ. Đổi lại, Nhật cũng đang xem xét kế hoạch giảm hay thậm chí bỏ thuế đối với mặt hàng thịt bò và thịt heo nhập từ Mỹ với thời gian áp dụng trên 10 năm. Hiện mức thuế nhập khẩu đang được Nhật áp dụng đối với các mặt hàng thịt bò của Mỹ là 38,5%.

Ngoài ra, theo tờ Nikkei Asian Review, nội dung đàm phán giữa hai quốc gia còn có điều khoản cho phép Mỹ tái lập các khoản thuế nhập khẩu lên xe hơi từ Nhật nếu nước này vi phạm các nội dung về thương mại. Trong khi đó, Nhật sẽ cân nhắc nâng thuế lên cao hơn trong trường hợp thịt heo giá rẻ từ Mỹ tràn ngập thị trường Nhật.

Như vậy, từ cuối năm ngoái đến nay, giữa hai nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP đã liên tục có những thông điệp mềm dẻo hơn để thúc đẩy tiến trình đàm phán. Trước đó, Nhật cũng đề xuất việc đưa hạn ngạch gạo nhập khẩu từ Mỹ vào nội dung đàm phán TPP.

Trong đó, Nhật dự định sẽ đưa mức thuế áp dụng vào các hạn ngạch này xuống 0%, cũng như tăng thêm khối lượng nhập khẩu thêm 10.000 tấn. Về phần mình, Mỹ cũng đi tiên phong khi dỡ bỏ yêu cầu, trong đó mong muốn Nhật giảm nhẹ hơn các luật lệ về tiêu chuẩn an toàn đối với các dòng xe hơi được nhập từ Mỹ.

Trước chuyển biến mới này, đã bắt đầu có những đánh giá lạc quan về khả năng hoàn thành đàm phán TPP trong năm nay. Theo ông Jeff Schott, chuyên gia thương mại thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson Institute for International Economics, các quốc gia thành viên đang nỗ lực giải quyết các bất đồng và TPP có thể sẽ kết thúc đàm phán trong nửa đầu năm 2015.

Tuy vậy, ở Mỹ vẫn còn khá nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt từ phía đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Barack Obama. Họ cho rằng hiệp định này sẽ khiến người Mỹ mất việc làm cũng như ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân nước này.

Ở phía ngược lại, đảng Cộng hòa và những người ủng hộ hiệp định này cho rằng TPP sẽ giúp hàng hóa của Mỹ tiếp cận dễ dàng hơn đến các thị trường khác nhờ những điều luật được thống nhất giữa các quốc gia.

Có thể nói năm 2015 này được xem là năm bản lề để TPP có thể đàm phán thành công. Nếu không, tiến trình ra đời một hiệp định được ca ngợi là chuẩn mực của thế kỉ XXI nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước Mỹ bước vào mùa bầu cử Tổng thống sôi động và căng thẳng vào năm sau.

TPP cũng được xem là cơ hội để mang lại động lực mới cho nền kinh tế Mỹ, vốn bị trì trệ trong suốt nhiều năm qua, cũng như giành lại vị thế siêu cường của nước này trong bối cảnh có nhiều thách thức mới đang nổi lên.

Theo ông Amb Clayton Yeutter, chuyên gia tư vấn tại Hogan Lovells, từng là thành viên Nội các của 4 đời tổng thống Mỹ và phục vụ ở Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng TPP mang ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp Mỹ cũng như nền nông nghiệp nước này. "Nếu bị trì hoãn đến năm 2017, cơ hội cho nước Mỹ sẽ mất đi và thậm chí thế hệ con cháu sẽ phải chịu sự kiểm soát từ các luật lệ của Trung Quốc", ông nói.

TPP hiện có 12 quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương đang tham gia đàm phán, nhưng có khả năng sẽ thu hút thêm các đối tác thương mại quan trọng khác. Hàn Quốc, chẳng hạn, hồi năm ngoái đã bày tỏ ý định sẽ tham gia TPP và điều đó có thể khiến vị thế của hiệp định này trở nên quan trọng hơn trên toàn cầu trong tương lai.

Về phía Việt Nam, thông tin về nội dung đàm phán của TPP vẫn còn được giữ khá bí mật. NCĐT đã trao đổi với một số chuyên gia về đàm phán thương mại cũng như ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhưng vẫn chưa có thông tin cập nhật mới nhất về tiến trình đàm phán TPP.

Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết quá trình đàm phán TPP đang diễn ra tích cực. Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014 ở Bắc Kinh, báo cáo từ hội đàm của các bộ trưởng thương mại TPP cho biết 12 quốc gia thành viên đã có những tiến bộ đáng kể về quy tắc xuất xứ chung đối với rất nhiều sản phẩm. Và điều này được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, tăng cường chuỗi cung ứng giữa các nước trong khối TPP.

Nhưng trong lúc này, ngoài TPP đang được đàm phán, Việt Nam cũng đón nhận tin vui về khả năng kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu. Năm ngoái, Việt nam cũng đã kết thúc đàm phán với Liên minh hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus và Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc.

Việc tham gia hiệp định thương mại với các đối tác quan trọng sẽ là liều thuốc giúp kích thích dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam. Ví dụ, năm ngoái để đón đầu Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, các doanh nghiệp đến từ xứ sở kim chi đã mạnh tay đầu tư vào Việt Nam và trở thành quốc gia dẫn dầu về giá trị các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới ở Việt Nam với hơn 6 tỉ USD.