Nếm quả đắng
Núi Thành, Thăng Bình là hai địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích gần 300 ha, tuy nhiên đến nay nhiều diện tích hồ nuôi bị bỏ hoang. Khoảng 4 – 5 năm về trước, phong trào đào hồ nuôi tôm phát triển rầm rộ. Thấy nuôi tôm có lời, hàng chục héc ta rừng phi lao chắn sóng bị người dân đốn hạ để lấy đất nuôi. Việc phát triển hồ nuôi tôm lúc ấy khiến chính quyền địa phương đau đầu, bởi nghề nuôi tôm có lời nhưng bù lại là vấn nạn ô nhiễm môi trường, nước ngầm nhiễm mặn, nạn cát bay do rừng phi lao bị chặt bỏ.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng người dân đành bỏ hoang hồ nuôi.
Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam phải ra chỉ đạo nghiêm cấm việc chặt phá rừng nuôi tôm và ngành điện lực không cấp điện cho các hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch…Đến nay, người nuôi tôm ở đây đang phải nếm quả đắng từ “canh bạc” nuôi tôm, vì giá thu mua quá thấp. Thời tiết ngày càng bất thường, giá tôm giống, công chăm sóc, thức ăn tăng cao khiến các chủ hồ lao đao, thua lỗ nặng.
Thôn 2, Tam Tiến (Núi Thành) có khoảng 300 hồ tôm lớn nhỏ, đến nay gần nửa diện tích đã bị bỏ hoang. Anh Nguyễn Hiệp (31 tuổi) từng biết đến là một trong những nông dân nuôi tôm trẻ tuổi trong vùng. Từ năm 2000, gia đình anh Hiệp bắt đầu nuôi tôm. Đến năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ lót bạt phát triển, anh Hiệp cùng 2 người anh em khác trong gia đình đầu tư gần 500 triệu đồng làm 3 hồ nuôi tôm với diện tích hơn 4 sào. Chỉ được một hai vụ nuôi tôm đầu có lời, sau đó tôm rớt giá thê thảm, dịch bệnh phát triển khiến anh thua lỗ nặng. Gần 2 năm qua, hồ tôm của gia đình anh để hoang trong khi khoản nợ 300 triệu đồng từ các vụ trước để lại anh chưa trả hết.
“Giá tôm ngày càng rẻ. Mấy năm trước còn giá 140.000 đồng/kg tôm loại 100 con/kg. Nhưng nay giá chỉ còn 85.000 – 90.000 đồng/kg. Làm ăn thua lỗ, càng làm càng lỗ nên đành bỏ hoang hồ nuôi” - anh Hiệp nói.
Ở Nam Tiến, ao tôm của anh Lê Văn Cam cũng bỏ hoang từ đầu năm 2014 đến nay. Khoản nợ 270 triệu đồng tiền giống, thức ăn, thuốc men đến nay chưa trả được, anh Cam và gia đình lâm cảnh khốn khó.
Thôn Hà Quang, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã Tam Tiến, nhiều hộ trước đây giàu lên nhờ tôm nay cũng bắt đầu lao đao theo con tôm. Tình trạng bỏ hoang hồ nuôi tôm cũng diễn ra tại vựa tôm huyện Thăng Bình.
Cần đưa tôm vào danh mục bình ổn giá
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam), đến nay tại Núi Thành và Thăng Bình có khoảng 60ha diện tích hồ nuôi tôm bỏ hoang. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thu mua thấp, trong khi đó, giá tôm giống và các vật tư khác quá cao, dịch bệnh và thời tiết lại biến đổi thất thường.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản cho biết: Đến năm 2012, giá tôm đạt từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg nên diện tích tôm thẻ lót bạt không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, giá tôm giảm mạnh khiến người nuôi tôm vẫn thua lỗ.
“Hiện nay, UBND tỉnh có quy hoạch cụ thể về phát triển vùng nuôi tôm theo hướng bền vững, tập trung thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm… Kêu gọi đầu tư phát triển trại giống để hạ giá thành tôm giống giúp nông dân”, bà Tâm cho biết. Theo bà Tâm từ trước đến nay, nông dân nuôi tôm chịu thiệt vì toàn bộ các khâu từ con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh và đầu ra cho con tôm đều phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Nghịch lý hiện nay, dù giá tôm thương phẩm rớt thê thảm, nhưng giá tôm giống, thức ăn, thuốc men đều tăng từng ngày, không ai kiểm soát.