Bộ Công Thương sẽ làm gì để cứu ngành mía đường?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ sẽ phối hợp ngành chức năng khác để tăng cường chống buôn lậu đường để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Sẽ quyết liệt chống buôn lậu

Theo ĐBQH Đặng Thị Kim Chi, với việc đường nhập lậu ngày càng tăng, đường tạm nhập tái xuất và gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt, cộng với việc hạn ngạch nhập khẩu đường được cấp theo cam kết quốc tế và việc chưa tạo thông thoáng và công bằng cho việc xuất khẩu đường theo đường tiểu ngạch làm cho ngành mía đường khốn đốn. Nếu không có biện pháp giải quyết hữu hiệu, ngành mía đường có nguy cơ phá sản.

Do vậy, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Kim Chi đặt câu hỏi: Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ phối hợp tham mưu chính sách gì để cứu ngành mía đường và đời sống của hàng triệu nông dân vùng mía?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: "Đúng là thời gian qua, tình hình sản xuất, tiêu thụ đường ăn trong nước có một số vấn đề. Nhất là sản lượng và năng suất sản xuất đường trong nước năm vừa qua tăng lên khá nhiều. Thêm nữa, việc phòng chống buôn lậu qua biên giới thì mặt hàng đường diễn ra khá sôi động, nhất là khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia".

Vì thế, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với các lực lượng liên quan, với các địa phương có đường biên giới trên bộ với Campuchia đã nỗ lực triển khai việc chống buôn lậu. Tuy nhiên, hiệu quả còn rất hạn chế. Do đó, đây cũng là một nội dung trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389, sẽ phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn đối với công tác phòng chống buôn lậu nói chung, trong đó có đường lậu để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Sẽ xem xét về hạn ngạch nhập đường của doanh nghiệp FDI

Liên quan đến việc cấp hạn ngạch nhập đường của một doanh nghiệp cụ thể, ĐBQH Đặng Thị Kim Chi cho biết: Trong năm 2014, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho 40.000 tấn, phân bổ cho một số nhà máy để chế biến đường tinh luyện. Ở Phú Yên có nhà máy đường KCB, có 100% vốn nước ngoài, đã có văn bản đề nghị được cấp hạn ngạch nhập đường thô nhằm bù đắp sản lượng mía bị giảm do hạn hán, nhưng không được cấp.

Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng có nói: Việc thực hiện cấp hạn ngạch này do đề nghị của Bộ NN-PTNT, trường hợp này Bộ NN-PTNT không đề nghị nên không phân giao. Do vậy, bà Kim Chi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ hơn về sự phối hợp giữa 2 Bộ trong vấn đề này. Và theo Bộ NN-PTNT, dựa trên tiêu chí nào để phân cấp hạn ngạch nhập đường thô? Tại sao nhà máy đường KCB lại không được cấp?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Việt Nam đã gia nhập WTO, với tinh thần bảo hộ hợp lý một số nông sản và sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân, và đã đạt thỏa thuận đối với 4 mặt hàng nông nghiệp (gồm: đường ăn, muối ăn, nguyên liệu thuốc lá, trứng gia cầm các loại) sẽ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu.

Tức là mỗi năm, theo giải thích của Bộ trưởng, nước ta chỉ cho phép nhập khẩu một hạn ngạch nhất định với 4 nhóm hàng nêu trên. Nếu hàng hóa nằm trong hạn ngạch thì hưởng thuế suất ưu đãi, còn ngoài hạn ngạch sẽ phải chịu thuế cao. Mỗi năm, Việt Nam được hạn ngạch nhập khẩu đường cấp cho nhà doanh nghiệp nhập khẩu trong nước và ngoài nước tăng dần 5%/năm. Năm 2014, hạn ngạch được phân bổ là 72.000 tấn đường.

Theo quy định và theo thỏa thuận, "Bộ NN-PTNT là người quyết định việc phân cho ai. Vì Bộ này là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất đường. Bộ Công Thương hoàn toàn tuân thủ sự phân bổ của Bộ NN-PTNT, chúng tôi không tự ý quyết định việc phân bổ hạn ngạch này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với trường hợp Nhà máy đường KCB, Bộ trưởng giải thích: Đây là doanh nghiệp của Ấn Độ, hoạt động tại Phú Yên và là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian vừa qua, DN này hoạt động khá tốt, tuy nhiên trong việc phân bổ hạn ngạch này chưa có tên của họ. "Chúng tôi xin phép tiếp thu ý kiến của Đại biểu, sẽ trao đổi với Bộ NN-PTNT, trong những năm tới sẽ xem xét cả khu vực doanh nghiệp FDI" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa trước Quốc hội./.