Bloomberg: Châu Á được lợi nhất từ thỏa thuận hạt nhân Iran

Bloomberg: Châu Á được lợi nhất từ thỏa thuận hạt nhân Iran

(NDH) Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, hãng tin Bloomberg cho rằng các khách hàng Châu Á sẽ được hưởng lợi lớn nếu Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khu vực Châu Á chiếm 50% tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm nay, tương đương 770.000 thùng/ngày. Như vậy, các nhà máy lọc dầu tại đây sẽ hưởng lợi lớn nhất khi Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt và gia tăng xuất khẩu dầu mỏ. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết nước này sẽ mời gọi trở lại các khách hàng Châu Á và giành lại thị phần.

Những công ty nhập khẩu dầu mỏ lớn như Hindustan Petroleum Corp của Ấn Độ hay Formosa Petrochemical Corp của Đài Loan cho biết họ có thể sẽ mua thêm dầu từ Iran. Giá dầu thấp hiện nay đang đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia Châu Á, giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách hạ chi phí trợ giá nhiên liệu và tăng lượng dự trữ.

Hãng Nomura Holdings nhận định thỏa thuận hạt nhân Iran có thể "khởi động" một cuộc chiến giá cả giữa nước này với Ả Rập Xê Út, Iraq và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây là một tín hiệu tốt đối với các khách hàng Châu Á khi họ có lợi thế trong đàm phán về giá.

Giá dầu thô Brent thế giới đã giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014 do tình trạng dư thừa cung trên thị trường. Việc khai thác dầu đá phiến của Mỹ và giữ sản lượng ở mức cao kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là nguyên nhân chính cho tình trạng trên.

Theo đại diện của Formosa Petrochemical, công ty muốn khôi phục việc mua dầu thô từ Iran với trữ lượng tối đa theo hợp đồng và sẽ sắp xếp các cuộc đàm phán với nước này sớm nhất có thể.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy Corp nhận định việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran đưa đến sự ổn định cũng như mở rộng lựa chọn với nguồn cung dầu thô.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho rằng việc Iran quay lại thị trường dầu mỏ đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ giảm tiếp và những nước như Ấn Độ sẽ được hưởng lợi lớn.

Iran là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trong OPEC trước khi bị cấm vận. Nhiều thị trường của nước này như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã hạn chế nhập khẩu dầu thô từ nước này trước sức ép từ Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế.

Hiện Iran đang là nước xuất khẩu dầu đứng thứ 4 trong OPEC với sản lượng bình quân 2,85 triệu thùng/ngày. Các lệnh cấm vận đã khiến những khách hàng như Hàn Quốc phải giảm 50% nhập khẩu dầu thô của Iran từ năm 2011. Thay vào đó, chính quyền Seoul phải nhập khẩu dầu từ Mexico, lần đầu tiên kể trong 2 thập kỷ qua, cũng như từ vùng Alaska-Mỹ.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc SK Energy cho biết họ sẽ đánh giá các khía cạnh lợi ích kinh tế trước khi quyết định mua dầu thô của Iran trong tương lai.

Bộ trưởng Zanganeh cũng nói rằng các thị trường tại Châu Á sẽ là ưu tiên của nước này trong việc xuất khẩu dầu thô.

.