Nếu một con số có thể quyết định số phận nền kinh tế thế giới thì đó là giá một thùng dầu. Mỗi khi suy thoái kinh tế xảy ra kể từ năm 1970, giá dầu luôn báo trước cho điều này khi tăng gấp đôi giá trị. Tuy nhiên, mỗi khi giá dầu giảm đi một nửa giá trị và giữ ở mức thấp trong khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn thì sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đi theo ngay sau đó.
Sau khi giảm từ 100 USD/thùng xuống 50 UD/thùng, giá dầu hiện nay đang dao động tại một mức giá có ý nghĩa quan trọng như đã nêu trên. Liệu chúng ta nên kỳ vọng 50 USD/thùng là mức giá sàn hay mức giá trần cho biên độ giao dịch mới của dầu?
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng 50 USD/thùng là mức giá sàn, hoặc là một mức giá tạm thời, do giá dầu trên thị trường kỳ hạn cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ phục hồi tương đối nhanh lên mức 70-80 USD/thùng. Nhưng những nghiên cứu kinh tế và lịch sử cho thấy giá dầu hiện nay nên được xem như mức giá trần cho một biên độ giao dịch thấp hơn, trong đó giá dầu thậm chí có thể xuống 20 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ WTI
Để giải thích cho luận điểm trên, cần xem xét tư tưởng chủ đạo của các trung tâm kinh tế về năng lượng hiện nay. Thị trường dầu mỏ luôn có sự đấu tranh giữa thị trường kinh doanh độc quyền và thị trường tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các chuyên gia Phương Tây đều từ chối công nhận hiện nay là sự thắng thế trong cạnh tranh của Ả Rập Xê Út, trong khi ngành khai thác dầu một cách tự do tại bang Texas của Mỹ chỉ khiến OPEC tái khẳng định sức mạnh độc quyền của họ.
Nếu xem xét lịch sử, cụ thể là lịch sử giá dầu từ năm 1974, khi OPEC lần đầu tiên xuất hiện, chúng ta sẽ thấy 2 giai đoạn giá cả khác nhau. Từ năm 1974 đến 1985, giá dầu thô Mỹ dao động từ 50-120 USD/thùng theo tỷ giá hiện nay. Từ năm 1986 đến 2004, giá dầu mỏ dao động từ 20-50 USD/thùng, ngoại trừ hai giai đoạn biến động ngắn là cuộc xâm lược Cô-oet năm 1990 và cuộc khủng hoảng tại Nga năm 1998. Cuối cùng, từ năm 2005 đến 2014, giá dầu lại được giao dịch trong biên độ của năm 1974-1985 ở ngưỡng 50-120 USD/thùng, ngoại trừ hai giai đoạn ngắn ngủi của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Nói theo cách khác, biên độ của giá dầu trong 10 năm qua cũng tương tự như thập kỷ đầu tiên khi OPEC xuất hiện, trong khi biên độ giá dầu trong giai đoạn 19 năm từ 1986 đến 2004 lại ở mức độ khác. Có thể cho rằng sự khác nhau giữa 2 biên độ này là do sự suy giảm sức mạnh của OPEC năm 1985, khi ngành khai thác dầu tại Biển Bắc và vùng Alaska phát triển, chuyển từ thế độc quyền của OPEC sang một thị trường dầu mỏ cạnh tranh về giá. Thời kỳ cạnh tranh này chỉ kết thúc vào năm 2005, khi sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc tạo ra tình trạng thiếu cung dầu thô tạm thời trên thế giới, qua đó tạo điều kiện cho sự độc quyền về giá của OPEC quay trở lại.
Sản lượng khai thác dầu mỏ: OPEC vs Thế giới
Mức giá 50 USD/thùng trong lịch sử như là một đường phân định ranh giới giữa biên độ giá dầu mỏ của thị trường độc quyền và thị trường tự do cạnh tranh. Những chuyên gia kinh tế của thị trường tự do cạnh tranh chống lại mức giá độc quyền đã giải thích tại sao 50 USD/thùng là mức giá trần chứ không phải giá sàn.
Trên thị trường tự do cạnh tranh, mức giá dầu phải bằng chi phí cận biên. Đơn giản hơn, giá dầu sẽ phản ánh chi phí mà một nhà sản xuất hiệu quả cần thu hồi lại khi khai thác đến thùng dầu cuối cùng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Trên thị trường độc quyền thì ngược lại, các nhà độc quyền có thể chọn một mức giá cao hơn mức chi phí cận biên và sau đó cắt giảm sản lượng sản xuất để đảm bảo nguồn cung không vượt quá cầu.
Cho đến trước mùa hè năm ngoái, thị trường dầu mỏ vẫn vận hành theo cơ chế độc quyền do Ả Rập Xê Út là một nhà sản xuất có khả năng tác động đến cân bằng thị trường bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác khi cung vượt cầu. Tuy nhiên, động thái này lại tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất dầu khác, đặc biệt là tại Canada và Mỹ, khiến họ tăng sản lượng khai thác của mình. Bất chấp việc phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn nhiều, các nhà sản xuất dầu đá phiến và khí đốt Bắc Mỹ vẫn có thể thu lợi nhuận nhờ sự đảm bảo cân bằng giá dầu từ Ả Rập Xê Út.
Sản lượng khai thác dầu tại Mỹ
Ả Rập Xê Út chỉ có thể duy trì mức giá dầu cao bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác và nhường thị phần dầu mỏ thế giới cho các nhà sản xuất của Mỹ, hiện đang chứng kiến sự bùng nổ kỷ lục trong hoạt động khai thác. Mùa thu năm ngoái, các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út nhận định rằng đây là một quyết định sai lầm, và họ đã đúng khi nhận định như vậy. Hậu quả cho việc tiếp tục bảo vệ giá dầu là Mỹ sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, trong khi Ả Rập Xê Út sẽ bị lu mờ không chỉ trong vai trò một nước xuất khẩu dầu mỏ, hơn thế còn là vai trò một nước mà Mỹ có nghĩa vụ cần bảo vệ.
Dự trữ dầu mỏ tại Trung Đông hiện nay được xác định là quân bài chủ chốt nhằm đảo ngược tình trạng thất thế hiện nay của các nước trong khu vực này, và những động thái gần đây của OPEC cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, giải pháp duy nhất để OPEC phục hồi, hoặc bảo vệ thị phần của mình là kéo giá dầu mỏ xuống mức khiến các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ phải giảm mạnh sản lượng nhằm cân bằng thị trường. Trong ngắn hạn, Ả Rập Xê Út phải dừng vai trò của một nhà sản xuất có khả năng tác động đến cân bằng thị trường, thay vào đó nước này nên buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ nhận lấy vai trò này.
Số giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm
Kết quả của bất kỳ cuốn sách phân tích kinh tế nào cũng sẽ chỉ ra điều tương tự. Chi phí khai thác dầu đá phiến là khá cao, vì vậy loại tài nguyên này nên được để lại cho đến khi các mỏ dầu có chi phí khai thác thấp khác trên thế giới đã được khai thác tối đa. Hơn nữa, hoạt động khai thác dầu đá phiến có thể dễ dàng được khởi động hoặc ngừng lại.
Tính chất của thị trường tự do cạnh tranh sẽ buộc Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất dầu chi phí thấp khác phải hoạt động hết công suất trong khi các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ trải qua chu kỳ bùng nổ-suy tàn thông thường của “vòng quay hàng hóa” trên thị trường các hàng hóa chính. Ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ ngừng hoạt động khi nhu cầu dầu mỏ yếu đi hoặc khi các nước sản xuất dầu chi phí thấp khác như Iraq, Libya, Iran và Nga gia tăng khai thác. Ngành sản xuất dầu này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại khi kinh tế thế giới bùng nổ cùng với nhu cầu dầu mỏ ở mức đỉnh điểm.
Theo lý thuyết về thị trường tự do cạnh tranh, các chi phí cận biên khi khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ trở thành mức giá trần cho giá dầu thế giới, trong khi các chi phí cận biên thấp của các mỏ dầu OPEC và Nga sẽ là giá sàn. Nếu điều này xảy ra, ước tính chi phí sản xuất dầu đá phiến là khoảng gần 50 USD/thùng, trong khi chi phí cận biên hòa vốn tại các mỏ dầu khác là khoảng 20 USD/thùng. Như vậy, biên độ giao dịch mới trên thị trường tự do cạnh tranh dầu mỏ nên ở mức 20-50 USD/thùng.